Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ít biết về những “ngọn mắt thần trong đêm”

14:38, 26/01/2013

Hải đăng là những công trình rất quan trọng đối với những người đi biển. Chúng như những vị thần, bảo vệ, chỉ đường cho tàu bè thuận lợi khi hành trình trên biển, ánh sáng của hải đăng giúp những người đi biển tìm đường vào cảng, xác định vị trí của mình trên biển cũng như báo hiệu cho những con tàu những nơi có đá ngầm, vách đá nguy hiểm…Ngoài vai trò quan trọng trong hệ thống đường thủy, hải đăng còn là những thắng cảnh hết sức hấp dẫn đối với mọi người mỗi khi đến thăm.

Hải đăng Song Tử Tây nằm cực bắc quần đảo Trường  Sa.
Hải đăng Song Tử Tây nằm cực bắc quần đảo Trường Sa.

Hải đăng có ánh sáng rực rỡ là nhờ các tấm gương phản xạ, thường là kính phủ bạc hoặc đồng dát bạc. Các ngọn hải đăng được sơn đa sắc để dễ phân biệt với những vùng nước xung quanh. Đèn nhỏ sơn màu đen hoặc đỏ để chỉ các bờ của con kênh chúng đứng; màu đỏ đánh dấu luồng bên phải và màu đen luồng bên trái. Các đèn ở ngoài khơi sơn màu đỏ và tên trắng. Ánh sáng cũng rất nhiều màu như trắng, đỏ hoặc xanh dương và đều đặn lia 60 lần/phút. Ngày nay gần như tất cả các đèn biển đều dùng điện đặt trong thấu kính để ánh sáng có thể đi xa tới hàng chục hải lý.

Nước ta hiện có 79 ngọn hải đăng, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Không kể một số ít những ngọn hải đăng nằm ở các thành phố lớn như hải đăng Hòn Dấu (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), Hạ Long (Quảng Ninh) hoặc ở cửa sông tấp nập thuyền bè qua lại, hầu hết các ngọn hải đăng đều nằm ở vị trí heo hút trên các vách đá, mõm núi cheo leo hay trên các đảo chìm, nhà giàn xa xôi mà không phải ai cũng dễ dàng đến được. Đó là những công trình lặng lẽ, cô đơn mà hùng tráng được vận hành bởi những cán bộ, nhân viên cũng âm thầm, lặng lẽ và nhẫn nại nhưng đầy tâm huyết với công việc của mình.

Trong tổng số 79 ngọn hải đăng, có 8 ngọn được người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước. Đó là các ngọn: Bảy Cạnh ở Côn Đảo (xây dựng năm 1885), Hòn Lớn ở Nha Trang (1890), Long Châu, Hòn Dấu ở Hải Phòng (1894), Núi Nai ở Kiên Giang (1896), Kê Gà ở Bình Thuận (1898), Hòn Khoai ở Cà Mau (1899), Tiên Sa ở Đà Nẵng (1902) và Mũi Dinh ở Ninh Thuận (1904). Thời kỳ đó đèn được thắp bằng dầu, pha chóa được xoay bằng một quả tạ, rơi xuống bằng trọng lực và làm xoay đèn. Hiện nay tất cả đều đã được tu sửa, chuyển sang dùng điện, một số cái đã dùng năng lượng mặt trời. Tuy đã được sửa chữa nâng cấp nhưng về kiến trúc, các ngọn hải đăng này vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp theo kiểu kiến trúc của người Pháp. Phần lớn các ngọn hải đăng thường được xây dựng ở độ cao thuận tiện, đạt yêu cầu về tầm nhìn địa lý và hiệu lực ánh sáng từ 10-25 hải lý. Nếu trước kia người Pháp xây bằng đá, vững chãi và kiên cố thì gần đây, với bê tông, cốt thép, các nhà xây dựng kiến trúc có nhiều cách tạo dáng cho hải đăng và nhiều cái đã trở thành những tác phẩm kiến trúc độc đáo. Hải đăng Long Châu nằm trọn trên đỉnh núi như một lâu đài châu Âu cổ; các hải đăng Lý Sơn, Rạch Giá, Phú Quý thì cầu kỳ về tạo dáng, cái như một chóp tròn Ấn Độ, cái thì như một tượng đài ba chân; hải đăng Dã Tràng, Chân Mây thì thân eo lại như như một ngọn đuốc... Dù kiến trúc như thế nào thì ánh sáng của nó mỗi đêm vẫn là sự tin cậy lớn nhất của những con tàu một mình giữa biển khơi mênh mông, cô quạnh.

Hải đăng Tiên Nữ
Hải đăng Tiên Nữ

Ở khu vực quần đảo Trường Sa có 6 ngọn hải đăng, đó là hải đăng  Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ và Song Tử Tây. Các hải đăng đóng trên đảo chìm như hải đăng Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ đứng dầm chân trong đảo chìm, lặng lẽ chớp nháy để tàu bè không mắc cạn. Hải đăng Song Tử Tây nằm ở cực bắc của quần đảo luôn là ngọn đèn tin cậy cho các tàu xuôi ngược trên hành trình từ bắc xuống nam của biển Đông. Hải đăng trên đảo chìm Tiên Nữ là ngọn hải đăng nằm ở vị trí cực Đông của Tổ quốc, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cùng với các hải đăng ở ven bờ, trên các đảo, hải đăng trên các nhà giàn ở vùng biển DK1 luôn là chỗ dựa tin cậy cho các tàu thuyền và khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, đó là các hải đăng trên nhà giàn Huyền Trân, Phúc Tần, Quế Đường và Ba Kè.

Ngày nay, con người có rất nhiều thiết bị hiện đại để dẫn tàu như định vị vệ tinh, ra đa, hải đồ, các dụng cụ đo sâu... song không thể nào coi nhẹ hải đăng. Với những luồng sáng mạnh mẽ vươn dài ra đến tận chân trời, những ngọn hải đăng luôn dẫn đường cho các con tàu hành trình xuôi ngược trong màn đêm mịt mùng giữa biển khơi được an toàn.

Nguyễn Thanh Điệp


Ý kiến bạn đọc