Chuyện những thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của
Mỗi người chọn một hướng đi riêng trên con đường lập thân, lập nghiệp nhưng đều giống nhau ở sự năng động, sáng tạo và tràn đầy ước mơ hoài bão vươn lên. Đến với buôn làng vào những ngày giáp Tết nghe thanh niên kể chuyện làm giàu, góp sức xây dựng quê hương mới cảm nhận được sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm ăn hiệu quả của tuổi trẻ hôm nay.
Y Miên Niê: Người con ưu tú của buôn Ea Yông B
Vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là niềm tự hào của không ít thanh niên. Với người dân buôn Ea Yông B (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) ngày Y Miên Niê nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng trở thành ngày hội của buôn làng. Già làng Y Phăn Byă chia sẻ: “Thằng Miên được nhận giải thưởng cả buôn ai cũng vui, thấy tụi trẻ chịu khó làm ăn dân làng hãnh diện lắm. Lễ cúng năm nay già lại có việc tốt để báo lên thần linh, đó là chuyện thanh niên trong buôn làm kinh tế giỏi, giúp buôn làng khởi sắc”.
Y Miên Niê bên lứa heo chuẩn bị xuất bán vào dịp tết. |
Trước năm 2008, Y Miên cũng như nhiều thanh niên khác trong buôn làm ăn khá chật vật, xoay xở mãi với mấy sào đất trồng cà phê, lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Học hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Miên đành gác lại con đường học tập, ở nhà làm nương rẫy. Trăn trở trước câu hỏi làm thế nào để tăng năng suất cây trồng, đem lại thu nhập cao, Miên đã tự mày mò tìm sách báo đọc những mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để nắm bắt khoa học kỹ thuật. Miên cho biết: “Qua lớp tập huấn mình học được cách tưới nước cà phê tiết kiệm, chọn các loại giống lúa, làm đất, gieo sạ đúng mùa vụ… Từ những kiến thức học hỏi được cộng số tiền ít ỏi của gia đình dành dụm anh đầu tư mua 3 con bò nuôi sinh sản để vừa có bê con vừa chủ động được nguồn phân bón cho cà phê và lúa. Nếu như trước năm 2008, để chăm sóc 6 sào cà phê mỗi năm gia đình anh phải ký nợ các đại lý phân bón số tiền 20 triệu đồng, trong khi sản lượng chỉ đạt 1,2 tấn nhân. Từ khi biết dùng các phụ phẩm nông nghiệp sau sản xuất ủ phân bón cho vườn cây, mỗi vụ gia đình Miên tiết kiệm được 7 triệu đồng, còn sản lượng tăng lên 1,8 tấn. Cuộc sống ngày càng khấm khá, có vốn anh mua thêm đất trồng bắp lai để chủ động nguồn thức ăn vỗ béo cho bò và đàn heo thịt. Hiện gia đình anh đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại liên hợp với diện tích trên 50m2 nuôi heo nái và trên 20 con heo thịt mỗi năm xuất chuồng 3 đợt với hơn 3 tấn heo hơi mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng. Với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi mỗi năm gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 130 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Y Miên còn là một bí thư chi đoàn năng động nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ các thanh niên trong buôn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con.
Lê Văn Sơn: Thành công với mô hình “cá lóc cạn”
Lần đầu tiên nghe anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar giới thiệu mô hình nuôi cá lóc trên cạn của thanh niên Lê Văn Sơn (thôn 2, xã Cư Ni) tôi bán tín, bán nghi bởi từ trước đến nay người ta nuôi cá trong bể xây, ao hồ, sông suối chứ nuôi cá trên cạn bằng bạt ni lông thì đúng là chuyện lạ.
Anh Lê Văn Sơn kiểm tra mức nước và thức ăn trong hồ cá. |
Vượt qua một đoạn đường quanh co, tôi đã tìm đến được trang trại cá lóc đồng của gia đình anh Lê Văn Sơn nằm nép mình sau những hàng cây xanh tốt. Thoạt nhìn qua, có lẽ chẳng ai hình dung được trên khu đất rộng, bằng phẳng khoảng 200m2, không có một chỗ trũng đọng nước mà chủ nhân lại có thể nuôi cá lóc. Các vật liệu để làm hồ nuôi hết sức đơn giản chỉ cần một ít cây tre dùng làm trụ, bạt ni lông không thấm nước, lưới mắt nhỏ vây xung quanh và ít lưới che nắng là đã có thể tạo được một hồ nuôi trên cạn. Anh Lê Văn Sơn cho biết: “Trước đây đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi về nhà người bạn ở Đồng Tháp chơi thấy người dân nơi đây nuôi cá lóc trong bạt ni lông rất thành công. Sau khi hỏi kỹ thuật nuôi và lên mạng tìm hiểu, năm 2010 tôi quyết định mua 5.000 con cá giống từ Đồng Tháp về nuôi lứa đầu tiên. Sau 6 tháng nuôi đàn cá phát triển tốt cho trọng lượng bình quân 1kg/con với giá bán 65.000 đồng/kg, lứa đó tôi thu lãi trên 60 triệu đồng”. Thấy việc nuôi cá lóc trong bạt khá đơn giản mà lại thu nhập cao, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình, cộng với nguồn thức ăn sẵn có dồi dào, chủ yếu là các loại cá nhỏ được người dân đánh bắt ở các hồ trong khu vực và sông Hinh với giá thành rẻ và dễ vận chuyển, năm 2011 anh đã mở rộng quy mô lên 20.000 con. Theo anh Sơn, cá lóc là loài có sức đề kháng cao, phát triển nhanh, đặc biệt nuôi trong bạt ni lông diện tích nhỏ nhưng nuôi được số lượng lớn, dễ dàng thay nước nên cá ít bị bệnh; con giống tương đối rẻ từ 700 đến 1.000 đồng/con… tỷ lệ hao hụt thấp nên người nuôi rất dễ thành công. Để tận dụng hết lượng thức ăn dư thừa trong nước nuôi cá lóc anh đào ao thả thêm cá trê. Với mô hình khép kín về nuôi cá mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng, năm 2012 anh vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của.
Trương Văn Quán: Làm giàu trên quê hương mới
Trương Văn Quán trên miền đất quê mới. |
Từ Bắc Cạn vào Dak Lak với hai bàn tay trắng nhưng nhờ mạnh dạn, biết khai thác lợi thế của vùng đất mới, chàng thanh niên người Tày Trương Văn Quán (ở buôn M’Liêng 2, xã Dak Liêng, huyện Lak) đã thành công với mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng bắp lai, lúa lai cho năng suất cao, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Kể về những ngày đầu lập nghiệp, Quán chia sẻ, nhà đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào mấy sào bắp, lúa nhưng do không có tiền mua phân bón đầu tư, giống tốt nên năng suất thấp. Sau khi được Đoàn thanh niên vận động tham gia các lớp tập huấn và tín chấp cho vay vốn phát triển sản xuất, Quán đã mạnh dạn ứng dụng ngay vào sản xuất, vụ đầu cho kết quả tốt. Quán tâm sự: “Trước đây do chưa nắm vững kỹ thuật, cứ nghĩ trồng được càng nhiều cây thì năng suất càng cao nên chẳng quan tâm tới khoảng cách gieo trỉa, cũng không biết một giống trồng đi trồng lại nhiều sẽ bị thoái hóa gen khiến cây dễ bị nhiễm bệnh, năng suất thấp”. Do đó những năm trước, gia đình anh trồng gần 1 ha ngô mỗi vụ chỉ cho năng suất gần 4 tấn thì nay với việc sử dụng giống mới, biết cách chăm bón hợp lý sản lượng đã tăng lên gấp đôi, cuộc sống gia đình ngày một khấm khá. Thấy quanh làng có đồng cỏ xanh rộng với nguồn thức ăn dồi dào Quán đã bàn với gia đình mượn vốn đầu tư mua bò về chăn thả, từ một cặp bò ban đầu đến nay đã có đàn bò 10 con. Giờ đây cơ ngơi nhà cửa khang trang, anh sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt có giá trị và trở thành tấm gương đảng viên, thanh niên tiêu biểu trong lao động sản xuất. Ông Lý Văn Thắng, Trưởng Buôn M’Liêng 2 cho biết: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, thanh niên Trương Văn Quán còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động là các thanh niên tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm làm ăn khi người dân tới tìm hiểu tham khảo”.
Trên đây chỉ là 3 trong số 6 thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của tỉnh vừa được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2012. Hy vọng sang năm 2013, sẽ có nhiều gương thanh niên với những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả. Trên đường trở về thành phố nhìn những đóa Dã quỳ đua nhau khoe sắc bên vệ đường, thấp thoáng sau đó là những căn nhà dài vừa được người dân trong buôn sơn sửa lại để chuẩn bị đón năm mới, ngẫm lại câu nói của Y Miên: “Chỉ cần siêng năng học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật thì mọi việc sẽ thành công” mà lòng tôi vui lây cùng anh và nhất là tinh thần vượt khó của thanh niên nơi vùng sâu, vùng xa trên con đường lập nghiệp.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc