Phát triển hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn: Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể trong việc tăng cường nguồn lực y tế, giảm bớt gánh nặng cho y tế công và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để người dân lựa chọn.
San sẻ gánh nặng quá tải
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến thời điểm này hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.200 cơ sở, trong đó gần 50% là cơ sở y tư nhân do các bác sĩ có chuyên môn vững và có thâm niên đứng tên đăng ký hành nghề. Đánh giá về hệ thống y tế tư nhân, ông Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Thời gian qua, y tế tư nhân đã sát cánh cùng y tế công lập trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn; góp phần tích cực giúp giải tỏa bớt một trong những vấn đề “nóng” của ngành y tế là tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập, bình quân mỗi năm hệ thống y tế tư nhân khám chữa bệnh cho khoảng 600.000 lượt người, chiếm trên 20% trong tổng số lượt người khám chữa bệnh chung của hệ thống y tế địa phương”.
Thực hiện tiểu phẫu bóc khối u trong mắt cho người bệnh tại một phòng khám chuyên khoa Mắt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Một trong những dấu ấn phát triển của hệ thống y tế tư nhân ở tỉnh ta là ngoài mô hình phòng khám đa khoa còn có sự xuất hiện của bệnh viện đa khoa (BVĐK) tư nhân. Từ năm 2005, BVĐK Thiện Hạnh đi vào hoạt động, đã đóng góp cho hệ thống y tế tỉnh 400 giường bệnh, tương đương với số giường của gần 3 BVĐK công lập cấp huyện và càng có ý nghĩa hơn khi nó đứng chân ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nơi có mật độ dân số lớn để “chia lửa” gánh nặng quá tải cùng 2 đơn vị chủ chốt của ngành Y tế là BVĐK tỉnh và BVĐK TP. Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, BVĐK Thiện Hạnh còn tham gia khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, góp phần giúp tỉnh triển khai có hiệu quả công tác bảo hiểm y tế toàn dân. Thành công bước đầu của BVĐK Thiện Hạnh đã mở ra xu hướng đầu tư xây dựng BVĐK tư nhân. Năm 2012, Sở Y tế đã trình cấp có thẩm quyền về việc thành lập 2 bệnh viện tư nhân.
Có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cơ sở y tế ngoài công lập, nhất là các BVĐK tư nhân, còn có những tác động tích cực đến tâm thế làm việc của các đơn vị y tế công lập. Bởi theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Phi Tiến thì: “Với cung cách phục vụ thân thiện, chu đáo, cơ sở y tư nhân dễ trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người, nhất là những người có khả năng về tài chính. Do đó, các bệnh viện công lập buộc phải tự tìm cách khẳng định uy tín thông qua việc thường xuyên đổi mới, nâng cao trình độ năng lực, thái độ ứng xử với người bệnh”.
Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân
Theo đánh giá của Sở Y tế, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nhìn chung có ý thức trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Y tế, nhiều cơ sở y tư nhân đã chú trọng đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đơn cử như Phòng khám Đa khoa Ban Mê (TP. Buôn Ma Thuột) mới đi vào hoạt động được hơn 4 tháng song đã có sự đầu tư cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải y tế bảo đảm vệ sinh môi trường. Bác sĩ Chế Mỹ, Trưởng Phòng khám Đa khoa Ban Mê cho biết: Hiện tại, chúng tôi luôn có 6 bác sĩ cơ hữu và hợp tác với các bác sĩ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm bán thời gian với tỉ lệ 1:1. Phòng khám trang bị máy móc thực hiện được tương đối đầy đủ các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm màu 3D, 4D; chụp X-quang và các xét nghiệm cơ bản. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và hợp tác đầu tư thêm máy nội soi và một số xét nghiệm cao cấp để tạo thuận lợi cho người bệnh không phải đi nhiều nơi trong một lần khám chữa bệnh. Ngoài ra, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Luật Khám chữa bệnh, Phòng khám đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế trước khi đưa ra môi trường bên ngoài, đồng thời hợp đồng với BVĐK tỉnh xử lý các chất thải rắn y tế”. Cũng hướng đến mục tiêu giúp người bệnh lựa chọn các dịch vụ y tế ngay trên địa bàn, Phòng khám chuyên khoa Mắt của bác sĩ Ngô Văn Cường (TP. Buôn Ma Thuột) chú trọng đầu tư máy móc để thực hiện thêm nhiều kỹ thuật mới ở chuyên khoa này. Còn Phòng khám nhi Tâm Đức lại ấp ủ ý tưởng trang bị thêm máy định lượng vitamin cho trẻ em nhằm giúp các bậc cha mẹ phát hiện và bổ sung kịp thời loại vitamin bị thiếu hụt trong cơ thể con mình, giảm thiểu nguy cơ suy dinh dưỡng. Không nằm ngoài xu thế chung, những năm qua, các cơ sở dược tư nhân trên địa bàn cũng chú trọng nâng cao chất lượng bán hàng và thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, hướng đến việc xây dựng nhà thuốc, quầy thuốc đạt chuẩn GPP - thực hành tốt quản lý nhà thuốc để phân phối thuốc tốt đến tay người bệnh.
Dịch vụ y tế cơ sở ngoài công lập phát triển khá mạnh đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường nguồn lực y tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để người dân lựa chọn. Thực tế cho thấy số lượng người đến với các cơ sở y tế tư nhân ngày càng tăng do nhiều cơ sở khám bệnh làm việc ngoài giờ khá linh hoạt và đón tiếp, phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo. Gặp chúng tôi sau khi vừa khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Ban Mê, chị Mai Thị Anh Sương (xã Thuận An, huyện Dak Mil, Dak Nông) cho biết: “Trước khi lựa chọn nơi đây để chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho mình” tôi đã tìm hiểu rất kỹ, ngoài các bác sĩ có chuyên môn giỏi, tiếp đón ân cần chu đáo thì cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại. Chị Trương Thị Hoàng Lan (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở y tế tư nhân giúp người bệnh chúng tôi có thêm sự lựa chọn các dịch vụ phù hợp với tiêu chí và khả năng tài chính của mình…”. Nói chung nhiều bệnh nhân sau khi được điều trị tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân... đều thấy hài lòng, yên tâm.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc