Multimedia Đọc Báo in

Việc làm nhỏ...

10:16, 07/01/2013

Ấy là cách nói khiêm tốn của cựu chiến binh Lê Ngọc Tuấn ở thôn 7, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar khi được hỏi về chuyện ông tự nguyện hiến hơn 700 m2 đất cho thôn làm đường.

Hơn 700 m2 đất, một tài sản quả không nhỏ. Và những ai từng biết vợ chồng ông đã cơ cực, chắt chiu như thế nào ngày chân ướt chân ráo vào Dak Lak lập nghiệp càng cảm phục hơn việc làm đẹp này. Ông Tuấn tâm sự: Khoảng năm 1980, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, vợ chồng ông xoay đủ nghề mà vẫn không đủ ăn, nợ ngân hàng 2 triệu đồng mà làm cả năm không trả nổi. Năm 2002, sau một chuyến cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở Tây Nguyên, mê mẩn với đất đai ở đây, ông đã mạnh dạn bàn với vợ bán hết đất vườn, nhà cửa ngoài quê Thanh Hóa, lấy vốn vào Dak Lak sinh sống. Số vốn ít ỏi có được, vợ chồng ông dựng ngôi nhà tranh nhỏ, mua hơn một sào đất rồi trồng cây hoa màu ngắn ngày. Tranh thủ khi nông nhàn, chồng đi làm thuê làm mướn, vợ làm bánh tráng bán rong ngoài chợ. Cứ chăm chỉ cần cù như thế, chỉ mươi năm sau vợ chồng ông sở hữu hơn 3 ha đất.

Toàn thôn 7 có tổng số hơn 70 hộ, trong đó có đến 40 hộ do đường sá không thuận lợi nên thường bị tư thương ép giá khi bán nông sản. Từng vào sinh ra tử trên chiến trường, chứng kiến bao đồng chí, đồng đội hy sinh không tiếc máu xương, ông tự nhủ: “Vậy có chi phải tính toán khi hiến đất cho thôn làm đường”. Nghĩ là làm, giờ thì ông vui lắm khi chỉ một việc ông hiến đất làm con đường dài hơn 400 m trong thôn 7 mà giải quyết được bao nhiêu chuyện: các cháu học sinh đi học, bà con đến hội trường thôn mỗi lần hội họp, tất cả đều gần hơn và quan trọng nhất là hơn nửa số hộ của thôn vận chuyển, tiêu thụ nông sản rất thuận lợi.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.