Multimedia Đọc Báo in

Hạn hán đe dọa vụ đông xuân

09:19, 22/02/2013

Vụ đông xuân hằng năm trên địa bàn tỉnh trùng vào thời kỳ mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Đặc biệt, năm 2012 diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều bất thường khiến tình hình khô hạn càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện tại chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô ở Tây Nguyên, nhưng hạn hán đang diễn ra trên diện rộng trên địa bàn tỉnh. Ngay tại huyện Krông Ana, một trong những huyện vùng trũng của tỉnh, nhưng đến nay đã có 1.572 ha lúa bị hạn, trong đó có 30 ha (của xã Băng Adrênh) bị mất trắng do không có nguồn nước chống hạn. Huyện Krông Bông đã có 90 ha lúa tại xã Ea Trul bị mất trắng do không có nguồn nước chống hạn; 850 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do giếng đào bị cạn nước (xã Hòa Phong 400 hộ, Hòa Tân 200 hộ, Hòa Lễ 100 hộ, Hòa Thành 70 hộ, Cư Drăm 40 hộ, Jang Kang 30 hộ và một số hộ ở các vùng khác). Dự kiến đến giữa tháng 3-2013 số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tăng nhiều do nguồn nước ngầm cạn kiệt nhanh và nguồn nước chống hạn cho sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do nước sông, suối và hồ cạn kiệt. Trong khi đó, huyện Cư M’gar hiện có khoảng 300 ha lúa ở các xã Ea M’droh, Cư M’gar và thị trấn Ea Pôk đã bị thiếu nước... Các địa phương khác chưa có diện tích cây trồng bị mất trắng, nhưng nguồn nước phục vụ chống hạn hiện rất hạn chế. Tính đến giữa tháng 2 mực nước các sông, suối và hồ thủy lợi cũng như mực nước ngầm đã cạn kiệt nhanh. Đa số các hồ thủy lợi nhỏ đã cạn đến gần mực nước chết và không còn khả năng sinh thủy để phục vụ tưới. Chẳng hạn tại huyện Krông Năng, sông Krông H’năng đã cạn trơ đáy, người dân phải “vét” nước từ lòng sông tưới cho cây cà phê. Ông Võ Đức Dương (thôn Xuân Hà 1, xã Ea Đah) cho hay, để có nước tưới cho gần 1 ha cà phê, ông đã phải dẫn nước từ đoạn sông có nước cách vườn hơn 9 cuộn ống (tương đương 450m). Tương tự, anh Y Thép M’lô (buôn Tul, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) có 0,2 ha lúa tại cánh đồng Ea Much cũng đã phải mua nước từ các giếng xung quanh, bơm vào ruộng cứu lúa. Anh Y Thép lo lắng, dù đã phải bỏ ra gần 1 triệu đồng tiền mua nước, nhưng vẫn chưa thể biết chắc có cứu được lúa không. Theo dự báo của Sở NN&PTNT, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì nhiều diện tích sẽ bị khô cháy do thiếu nước tưới, trọng điểm là các vùng trồng nhiều cà phê và có lượng mưa năm 2012 đạt quá thấp như Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pak, Cư M’gar, Cư Kuin ...

Sông Krông H'năng cạn trơ đáy
Sông Krông H'năng cạn trơ đáy

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do năm 2012 diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều bất thường. Nhiều vùng trong tỉnh có lượng mưa thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm, cụ thể: Huyện Lak chỉ đạt 69%, Cư Kuin 71%, Krông Pak 72%, thị xã Buôn Hồ 73%, Cư M’gar 79%, M' Drak 85%, Krông Bông 87%, TP. Buôn Ma Thuột 89%. Tình hình trữ nước phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân 2012 - 2013 của các hồ chứa ước chỉ đạt khoảng 70% dung tích thiết kế. Các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Dak Lak quản lý chưa đạt mực nước dâng bình thường, tính đến đầu năm 2013 phổ biến đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, riêng hồ Ea Súp thượng, hồ Buôn Jong đạt mực nước dâng bình thường, hồ Ea Kao đạt khoảng 70% và hồ Vụ Bổn chỉ đạt 40%.  Hồ chứa vừa và nhỏ do các địa phương như Cư M’gar, Ea H’leo, M’Drak, Krông Ana, Lak, Buôn Đôn, Krông Buk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột quản lý cơ bản đạt mực nước dâng bình thường tuy nhiên dung tích của nhiều hồ không bảo đảm theo thiết kế do lòng hồ bị bồi lắng nên khả năng phục vụ tưới hạn chế. Còn lại các huyện Ea Kar, Krông Pak, Krông Bông và Cư Kuin có nhiều hồ chưa đạt mực nước dâng bình thường, đặc biệt tại địa bàn huyện Ea Kar và Krông Pak các hồ chứa phổ biến chỉ đạt khoảng 50% dung tích, hồ Ea Kar chỉ đạt khoảng 30%. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, thời kỳ đầu vụ mực nước sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm và đến cuối vụ một số sông suối vừa và nhỏ có thể bị khô cạn. Như vậy nguồn nước sông suối phục vụ sinh hoạt trong mùa khô năm 2013 và sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 rất hạn chế và cuối vụ một số vùng khả năng sẽ không có nguồn nước để chống hạn.

Người dân bơm nước cứu lúa trên cánh đồng Ea Much
Người dân bơm nước cứu lúa trên cánh đồng Ea Much

Trước những nguy cơ do hạn hán gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực tại chỗ, mọi giải pháp có tính hiệu quả để tổ chức chống hạn như tổ chức huy động lực lượng ra đồng nạo vét ao hồ, kênh mương dẫn nước, sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước tưới cho các loại cây trồng trong vùng quy hoạch, tránh tình trạng tranh giành nguồn nước. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho bà con nông dân mua xăng dầu chống hạn kịp thời cho các loại cây trồng vụ đông xuân. Đến nay huyện Krông Ana đã chi trên 530 triệu đồng để hỗ trợ nhiên liệu cho các xã chống hạn.

Lê Giang
 


Ý kiến bạn đọc