Nhịp cầu giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
15 năm qua, dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), tỉnh đã triển khai được nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật (NKT). Những sự hỗ trợ ấy đã mang đến hiệu quả thiết thực và đầy tính nhân văn đối với NKT, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Các thành viên nhóm nhạc “Nhịp sống” thuộc Câu lạc bộ Người khuyết tật Hy vọng biểu diễn văn nghệ gây quỹ tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến hôm nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn NKT, mà nguyên nhân chủ yếu là do di chứng của chiến tranh để lại. Để giúp NKT nâng cao sức khỏe, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, từ năm 1998 MCNV bắt đầu giúp đỡ tỉnh Dak Lak triển khai hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Hoạt động hỗ trợ bao gồm: nâng cao năng lực cho các ban ngành, các tổ chức liên quan đến cộng đồng có đủ các điều kiện để hỗ trợ NKT; hỗ trợ cho NKT được chăm sóc sức khỏe thông qua phục hồi chức năng tại viện cũng như phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và hỗ trợ cho trẻ khuyết tật được đi học hòa nhập; tạo điều kiện cho NKT nghèo và gia đình của họ có được nguồn tín dụng nhỏ để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập; phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật ngay từ giai đoạn dưới 6 tuổi tại viện, tại cộng đồng và tại các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật. Sự hỗ trợ tạo được dấu ấn mạnh mẽ nhất là Dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Được triển khai từ năm 1998, đến nay Dự án đã thu được những kết quả to lớn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc: hệ thống quản lý hỗ trợ kỹ thuật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được xây dựng và gắn kết chặt chẽ từ tỉnh đến xã; cán bộ tham gia mạng lưới phát triển vững mạnh cả về số lượng và chất lượng; nhận thức của cộng đồng về khuyết tật và khả năng của NKT ngày một cải thiện tích cực; bản thân NKT và thành viên trong gia đình NKT bước đầu đã nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc trực tiếp và chủ động tham gia các hoạt động hỗ trợ NKT. Đặc biệt, sau 15 năm triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh đã hình thành 54 xã điển hình về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với 6.550 NKT được theo dõi, hỗ trợ, giúp hòa nhập cộng đồng; trong đó 70% NKT có nhu cầu hỗ trợ được tham gia vào chương trình và được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng tại nhà. Qua đó giúp 33% người lớn và 27% trẻ em bị khuyết tật trong vùng dự án hòa nhập cộng đồng.
Dự án hỗ trợ người khuyết tật do MCNV và Sở Giáo dục – Đào tạo triển khai từ năm 1999 đến nay cũng là một minh chứng rõ nét cho sự hợp tác hiệu quả giữa MCNV và tỉnh ta trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT. Thông qua các hoạt động chủ yếu là tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, kỹ năng nuôi dạy trẻ khuyết tật cho giáo viên, nhân viên và phụ huynh; hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục phục vụ việc dạy trẻ khuyết tật hòa nhập đạt hiệu quả cao; hỗ trợ các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật nhằm tạo cơ hội có việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định trở thành công dân có ích cho xã hội, đến nay Dự án đã giúp ngành Giáo dục tỉnh nhà khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật đã có chất lượng hơn do công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm được thực hiện trên diện rộng. Hầu hết các gia đình trẻ khuyết tật không còn tư tưởng bỏ bê, che dấu trẻ do được tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy con. Trẻ khuyết tật từ trung tâm ra hòa nhập được tiếp tục hỗ trợ tại cộng đồng hoặc được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Dự án “Hỗ trợ vốn tạo thu nhập cho gia đình NKT” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với MCNV thực hiện cũng là một chương trình đem lại hiệu quả thiết thực cho NKT trên địa bàn. Sau gần 10 năm triển khai (từ năm 2003 đến nay) đã có 615 lượt hộ gia đình NKT trên địa bàn (trong đó có 246 hộ NKT nghèo) được vay vốn của Dự án để phát triển sản xuất. Kết quả đã có 54/246 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; NKT của 369 hộ/615 hộ có việc làm ổn định tại nhà…
Cũng từ sự hỗ trợ của MCNV, những năm qua, 15 câu lạc bộ NKT với 1.016 hội viên đã được thành lập và duy trì hoạt động tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ tham gia vào các câu lạc bộ này, nhiều NKT đã không còn tự ti, mặc cảm về cơ thể không lành lặn của mình bởi ở đó, họ tìm thấy được sự chia sẻ, niềm vui, sự lạc quan tin yêu vào cuộc sống. Trên thực tế, NKT tìm đến câu lạc bộ là bởi họ tìm thấy lợi ích của mình trong đó. Lợi ích ở đây không hẳn là vật chất mà là sự cổ vũ, động viên về mặt tinh thần giúp cho NKT có được niềm tin, xóa bỏ mặc cảm và vượt lên khó khăn để khẳng định mình. Đặc biệt, thời gian gần đây các câu lạc bộ còn triển khai được chương trình hỗ trợ hội viên vay vốn. Qua đó, đã giúp cho rất nhiều hộ gia đình NKT thoát nghèo từ những đồng vốn ít ỏi; nhiều trẻ khuyết tật đã được các Ban chủ nhiệm câu lạc bộ động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện đến trường; nhiều thanh niên khuyết tật từ chỗ tự ti, mặc cảm đã tìm đến với nhau thông qua hoạt động của câu lạc bộ… Những kết quả này chính là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực vươn lên từ gian khó để khẳng định khả năng “tàn nhưng không phế” của những thành viên trong các câu lạc bộ.
Có thể nói, song song với sự hỗ trợ của MCNV thì sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã chung sức tạo nên những hiệu quả to lớn và vô cùng ý nghĩa cho NKT trên địa bàn. Bởi nếu chỉ một mình MCNV thì dù có cố gắng đến đâu cũng không thể tạo dựng nên “bức tranh” hòa nhập cho NKT hay như lời khẳng định của ông Phạm Dũng, Điều phối viên chương trình của MCNV: “Trong thực tiễn, chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp chính quyền. Bởi, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì dù sự hỗ trợ của MCNV có nhiều đến mấy cũng không thể giúp các tổ chức NKT trên địa bàn tỉnh hoạt động tốt được…”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc