Thắp hy vọng bằng những yêu thương
Ánh nhìn vô định, điệu cười ngô nghê, thân hình queo quắt… là hiện thân của nỗi đau và những số phận nghiệt ngã. Sẽ chẳng thể cầm lòng khi chạm vào những mảnh đời ấy. Cần biết bao vòng tay nối những yêu thương để thắp lên hy vọng cho những số phận kém may mắn trong cuộc đời...
Kỳ I: Những phận đời nghiệt ngã
Có những điều đơn giản chỉ là: biết tên mình, biết nghe, biết nói, biết đứng và đi trên đôi chân của mình; biết cho và nhận những thương yêu… lại chính là khát khao cháy bỏng của những phận đời nghiệt ngã mang khiếm khuyết, chịu nhiều nỗi đau ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời…
Những cuộc đời, những số phận
Bà Lê Thị Thanh Châu chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ Xã hội tỉnh. |
Nguyễn Văn Sáu bị não úng thủy, bị gia đình bỏ rơi từ khi 3 tuổi, được các sơ ở Nhà thờ Phú Long gửi vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội (TTBTXH) tỉnh năm 1998; hay trường hợp Điểu Dũng bị não úng thủy, gia đình nghèo ở Dak Nông không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cũng được đưa vào Trung tâm năm 2010. Còn Võ Trung Tâm bị bại não và chàm bẩm sinh, được Bệnh viện Buôn Hồ chuyển vào Trung tâm sau Nguyễn Văn Sáu 1 năm vì không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc. Đã nhiều năm nay, cả Sáu, Tâm, Điểu Dũng đều không có nhận thức, nằm gần như bất động trên chiếc giường nhỏ. Mỗi ngày của các em đều trôi qua trong vô thức. Tuổi từ 8 đến 16 nhưng thân hình các em đều queo quắt, nhỏ bé như một đứa trẻ lên 3; mọi hoạt động ăn uống, vệ sinh, tắm giặt đều trông chờ vào bàn tay chăm sóc của bà Lê Thị Thanh Châu (cũng là một bệnh nhân khuyết tật tại Trung tâm). Nhìn thân thể dị thường của các em, chẳng ai có thể cầm lòng. Bà Châu chia sẻ, các em đều là những đứa trẻ không có tương lai ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời. Sống chung trong căn nhà của những thân phận khiếm khuyết do tạo hóa và số phận, bản thân có thể đi lại, cười nói âu cũng là một hạnh phúc, may mắn trong đời. Tình nguyện chăm sóc các em cũng là một cách để bà sẻ chia với những phận đời kém may mắn hơn mình.
Đã mấy năm nay, mọi người luôn ám ảnh bởi những tiếng kêu thét của Trương Quang Trung giữa đêm khuya trong căn nhà xã hội cộng đồng ở xã Ea Kly, huyện Krông Pak. Đã 16 tuổi nhưng do bại não nên chân tay của Trung bị teo lại, không thể vận động. 16 tuổi cũng là 16 năm Trung sống chung với những cơn động kinh, co giật lúc nửa đêm. Em gào thét, tay chân đập ầm ầm xuống giường trong vô thức. Cùng sống với Trung còn có Vũ Việt Tú ở thôn 16 và Trần Thái Bảo, ở thôn 6A. Các em về đây đều cùng chung cảnh ngộ tàn tật và bị bỏ rơi, không có người chăm sóc, nuôi dưỡng. Vũ Việt Tú bị não úng thủy, nên cũng chỉ nằm một chỗ. Năm nay Tú đã 14 tuổi nhưng không biết nói, những âm thanh bật ra chỉ là những tiếng ú ớ khó nhọc đến tội nghiệp. Thấy mọi người đến thăm, Tú mừng lắm, ánh mắt Tú vui hẳn lên và cố gắng nói tiếng “chào” đến mọi người. Nhìn Tú ai cũng rưng rưng. Còn Trần Thái Bảo chỉ ngồi nhìn vô định, không nói không cười, trong ánh nhìn ấy dường như là cả một khoảng trống vô tận. Khoảng trống ấy làm nhức buốt trái tim những ai chạm đến…
Nụ cười của Thắng và ước mơ của Nguyên
Nụ cười thơ ngây của cậu bé Nguyễn Hữu Thắng. |
17 tuổi cũng là 17 năm Nguyễn Hữu Thắng nằm một chỗ trên giường bởi tay và chân của em bị tật bẩm sinh queo quắp chẳng thể nào vận động. Điểm tựa yêu thương duy nhất của em là người mẹ cũng đã rời bỏ em khi Thắng lên 10 tuổi. TTBTXH tỉnh trở thành mái ấm của em kể từ ngày đó. 7 năm qua, em đã gắn bó với căn phòng nhỏ này, làm bạn với những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ. Vậy mà, gặp em, em vẫn cười và bảo mình vẫn còn là người may mắn. Sẽ chẳng ai có thể cầm lòng khi nhìn vào nụ cười ấy. Nụ cười trong trẻo như ánh bình minh. Nụ cười khiến ai chạm đến sẽ thấy thắt lòng trước sự hồn nhiên và khát vọng sống mãnh liệt toát lên từ khuôn mặt nhỏ nhắn và thật nam tính của Thắng. Em bảo, em thích nhìn nắng. Có lẽ bởi ánh mặt trời luôn mang lại niềm tin, sự ấm áp và hy vọng cho con người. Em bảo, em thích nghe nhạc. Có lẽ là bởi không có gì dễ dàng sẻ chia và đồng điệu hơn âm nhạc. Thắng hồn nhiên, Thắng tình cảm, Thắng yêu đời, Thắng thông minh… là hình ảnh mà các anh, chị, cô chú ở Trung tâm nói về em. Vì vậy, Thắng luôn là nguồn động viên không chỉ cho những em có số phận bất hạnh như mình mà còn mang lại tình yêu cho những người làm công tác xã hội ở Trung tâm. Như chị Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ, Thắng chính là nguồn động viên giúp mình quên đi những vất vả, khó khăn thường ngày để thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.
Khó nhọc viết từng nét chữ nhưng cô bé Bùi Thị Hạnh Nguyên luôn nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ thành bác sĩ. |
“Cháu muốn học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những bạn có số phận kém may mắn như cháu”. Ước mơ thật đẹp và giàu lòng yêu thương của cô bé 12 tuổi - Bùi Thị Hạnh Nguyên ở thôn 7, thị trấn Ea Kar được nói lên bằng những âm thanh chưa tròn tiếng đã khiến nhiều người vô cùng xúc động. Em là đứa trẻ bình thường khi được sinh ra, nhưng chỉ vì bệnh vàng da không được kịp thời cứu chữa nên đã để lại di chứng tật nguyền theo em suốt đời. 8 tháng tuổi mẹ em đã bồng bế em đi khắp các bệnh viện để giúp em điều trị bệnh tật. Bằng phương pháp châm cứu và sự hỗ trợ của Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật huyện Ea Kar, 4 tuổi Nguyên cũng bắt đầu chập chững tập đi. Chính sự nỗ lực tập luyện tại trung tâm đã giúp Nguyên đi lại gần như bình thường. 7 tuổi em được nhận vào lớp 1 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Cả ba và mẹ em đều lo lắng, bởi với đôi tay dị tật của Nguyên rất khó có thể cầm bút. Vậy mà, những nét chữ ngoằn nghoèo đầu tiên đã mang đến niềm vui bất tận cho cả gia đình. Nguyên thích thú với việc tập viết, ghép vần. Những khiếm khuyết đã được bù đắp bằng chính sự siêng năng, cần cù, nỗ lực của em. Nguyên cũng đã trở thành tấm gương sáng của Trường tiểu học Lê Quý Đôn khi em liên tục được nhận giấy khen về thành tích xuất sắc trong học tập trong những năm học qua.
Lê Hương – Hồng Thủy
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc