Chung tay giảm nghèo - Kỳ I: Trăm nẻo đường... nghèo!
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Dak Lak trong những năm qua đã triển khai một cách tích cực và thu được nhiều kết quả, song tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm khá cao. Hiện nay các cấp, các ngành của tỉnh đang tiếp tục dồn sức cho công tác này.
Kỳ I: Trăm nẻo đường... nghèo!
Khác với nhiều địa phương trong cả nước, số hộ nghèo của Dak Lak luôn được “bổ sung” từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh các hộ nghèo tại chỗ, Dak Lak còn phải gánh thêm một lượng không nhỏ hộ nghèo nhập cư.
Nghèo... tại chỗ
Vào Dak Lak lập nghiệp tròn 18 năm nhưng đến nay, vợ chồng ông Đào Duy Hiển (buôn Lê B, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) vẫn loay hoay với bài toán thoát nghèo. Mặc dù bị liệt vào danh sách hộ nghèo kinh niên, nhưng nguyên nhân nghèo của gia đình ông khá đặc biệt, nhiều lúc bản thân ông tự hỏi, cái nghèo sao cứ luôn bám riết, trong khi không rượu chè, không cờ bạc, lại chịu khó lao động chăm lo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học! Ông kể, năm 1995 rời quê hương Hưng Yên vào Tây Nguyên lập nghiệp, tài sản duy nhất của vợ chồng là đôi bàn tay trắng và khát vọng có một cuộc sống ổn định. Sau hơn một năm làm thuê cuốc mướn, vợ chồng ông dành dụm được ít tiền mua 4 sào đất ở cuối buôn trồng hồ tiêu, cà phê. Những tưởng khốn khó sẽ dần rời xa khi vườn cà phê, hồ tiêu mỗi ngày một xanh tốt thì căn bệnh ung thư ập xuống vợ ông, đã cướp đi mọi thứ. Chưa hết, đứa con trai đầu lại mắc bệnh viêm gan. Gánh nặng mưu sinh một lần nữa đè nặng lên đôi vai người đàn ông mang trong mình căn bệnh hở van tim và bệnh viêm đa khớp-căn bệnh mà theo ông là do làm việc quá sức. Thương hoàn cảnh vợ chồng ông ngặt nghèo, bà con lối xóm và chính quyền địa phương đã động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất giúp ổn định cuộc sống. Vui mừng nhất là căn chòi tạm ngày nào, với sự giúp đỡ của đồng đội, hàng xóm khi thì tấm ván, lúc tấm tôn cũ, vợ chồng ông đã hoàn thiện được ngôi nhà có chỗ che nắng, che mưa. “Ban ngày tôi đi làm thuê, ban đêm tranh thủ xây tường, lợp mái, cứ túc tắc cuối cùng căn nhà cũng xong”, ông Hiển kể. Không đầu hàng số phận hoặc trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của xã hội, ông Hiển làm việc bằng hai để thoát nghèo, ngoài chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu, ông tranh thủ đi phụ hồ, xin làm công nhân thu gom rác. Công việc tương đối ổn định, niềm vui thoát nghèo đang đến rất gần, thì không may trong một lần gom rác, do bất cẩn, máy cuốn rác làm ông bị thương cánh tay. Thế là nghèo lại hoàn nghèo. Sau lần ấy, ông không thể làm được việc nặng, đành mua bán phế liệu kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Khi chúng tôi đến thăm, ông ngại nói về gia đình mình, bởi với ông chuyện nghèo có gì hay ho đâu mà phải “vạch áo cho người xem lưng!”. Ông bảo nghèo xấu hổ lắm, nhất là mỗi lần họp thôn, buôn, chi hội cựu chiến binh mọi người lại đưa trường hợp của ông ra bàn bạc tìm cách giúp đỡ...
Di dân tự do gây nhiều áp lực đối với địa phương. Trong ảnh: Một góc thôn 13 xã Cư Kbang, huyện Ea Súp. |
Điều dễ nhận thấy là có đến hàng chục nguyên nhân dẫn đến cái nghèo: thiếu vốn đầu tư sản xuất, hoặc thiếu đất canh tác, nước tưới không bảo đảm… Nhiều trường hợp khác lại rơi vào cảnh thiếu lao động, đông người ăn theo, thu nhập không đủ trang trải. Bên cạnh đó còn một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong các nguyên nhân dẫn đến nghèo thì thiếu vốn sản xuất và thiếu đất canh tác chiếm tỷ lệ lớn nhất. Xin đơn cử, tại huyện Ea Súp, trong số 5.540 hộ nghèo tính đến thời điểm cuối năm 2012, có đến 4.275 hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, gần 4.100 hộ nghèo do thiếu đất canh tác; huyện Ea H’leo, trong số 4.156 hộ nghèo có đến 3.380 hộ thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác (hơn 1.790 hộ), thiếu phương tiện sản xuất (gần 615 hộ), thiếu lao động (gần 475 hộ), đông người ăn theo (425 hộ). Tại thị xã Buôn Hồ, trong tổng số hơn 1.590 hộ nghèo thì hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất vào khoảng 1.100 hộ, thiếu đất canh tác gần 960, thiếu phương tiện sản xuất gần 350 hộ…
Nghèo “nhập cư”
Ngoài số hộ nghèo phát sinh tại địa bàn do những nguyên nhân nêu trên, mỗi năm Dak Lak còn phải “gánh” thêm một lượng lớn hộ nghèo (chủ yếu từ các tỉnh phía bắc) di cư tự do vào, khiến số hộ nghèo liên tục được “bổ sung” dù nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo của các địa phương trong tỉnh không hề nhỏ. Chẳng hạn tại huyện Ea Súp, năm 2011 giảm xấp xỉ 600 hộ, năm 2012 giảm hơn 250 hộ nghèo, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 5.540 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 34% dân số toàn huyện, mà nguyên nhân chính là vì Ea Súp liên tục được dân di cư tự do chọn làm điểm đến. Ông Ma Văn Chấn, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang - điểm nóng dân di cư tự do cho biết: hiện xã bị “rơi” vào danh sách 1 trong 3 xã của huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% cũng vì nguyên nhân này. Cư Kbang được thành lập từ năm 1998, với khoảng 405 hộ, gần như 100% dân số trong xã là hộ nghèo. 15 năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành và sự nỗ lực của chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo ở xã được triển khai sâu rộng đến từng hộ nên mỗi năm có 5-8% hộ thoát nghèo, hầu như những hộ có mặt tại thời điểm thành lập xã đến nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cư Kbang có 15 thôn thì có tới 9 thôn, tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên, trong đó cá biệt thôn 13 có tỷ lệ hộ nghèo hơn 95%, thôn 14 hơn 91%, trong đó, hầu hết là dân di cư tự do, khiến Cư Kbang ngày nay có số dân di cư tự do đông hơn dân tại chỗ.
Căn nhà tuềnh toàng của chị Hoàng Thị Mị (di dân tự do thôn 13, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) là nơi tá túc của hơn 10 thành viên. |
Không riêng gì huyện Ea Súp mà nhiều địa phương khác như Ea H’leo, M’ Drak, Lak, Krông Bông… cũng đang đối mặt với thực trạng này. Do đất rộng, màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác hơn các địa phương khác nên khá nhiều đồng bào Tày, Nùng, Dao, Thái, Cao Lan, Mông, Mường… ở các tỉnh miền Bắc di cư vào. Để đối phó với chính quyền địa phương, những người di cư tự do thường “nhảy dù” vào giữa rừng sâu, phá rừng dựng nhà, làm nương rẫy, đến khi chính quyền địa phương phát hiện thì “chuyện đã rồi”! Trong nhiều năm qua, bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và huy động tại địa phương, Dak Lak đã rất nỗ lực ổn định đời sống dân di cư tự do, nhưng không thể theo kịp tốc độ di cư chóng mặt của tình trạng này. Quy hoạch liên tục bị phá vỡ vì năm nào cũng có hàng chục, thậm chí là hàng trăm hộ di cư đến phá rừng làm nhà tạm, nương rẫy, lại sinh đẻ thiếu kế hoạch… nên danh sách hộ nghèo phát sinh mới của Dak Lak liên tục dài thêm khiến cho công tác giảm nghèo càng khó khăn hơn.
Ngọc Nguyên
Kỳ II: Dồn sức xóa nghèo
Ý kiến bạn đọc