Công tác dân số ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui): Khó chồng khó!
Thôn Cư Rang thuộc xã vùng 3 Cư Pui, cách trung tâm huyện Krông Bông gần 30 km. Thôn có hơn 170 hộ nhưng có tới 1125 khẩu đều là người dân tộc Mông. Điều đáng nói, phụ nữ ở đây không chỉ đẻ nhiều, đẻ dày mà còn có rất nhiều trường hợp tảo hôn. Vì vậy không chỉ gây khó khăn cho công tác dân số mà còn tạo ra nhiều hệ lụy đối với đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Lấy chồng từ tuổi 15!
Trải qua quãng đường gần 15 km từ trung tâm xã vào thôn Cư Rang, chị Châu Thị Kim Phụng, nhân viên Trạm Y tế xã Cư Pui kể cho chúng tôi nghe nhiều điều về công tác dân số ở nơi đây. Toàn thôn có hơn 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, hầu hết bà con đều theo đạo tin lành nên việc vận động họ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gặp rất nhiều trở ngại. Không những vậy, người dân tộc Mông trong thôn vẫn còn duy trì tục lệ tảo hôn nên con gái đều lấy chồng khi 15, 16 tuổi và không ít trong số họ mới 30 đến 40 tuổi đã có 5-6 đứa con. Chúng tôi đến nhà chị Lý Thị Dợ vào buổi trưa nắng như đổ lửa nhưng trên lưng chị vẫn địu chặt đứa cháu khoảng chừng 5 tháng tuổi, mồ hôi nhễ nhại. Chị Dợ năm nay mới 34 tuổi nhưng có 4 đứa con, trong đó 2 con gái đã lấy chồng khi mới 15 tuổi. Cả nhà chỉ có 4 sào đất trồng sắn, lúa nên anh Thào Văn Tuấn - chồng chị và người con rể phải thường xuyên đi rừng tìm hoa phong lan bán kiếm thêm thu nhập, song điều đáng buồn là không may cả 2 đều bị chết do tai nạn vào cuối năm 2012. Từ đó, trừ những lúc làm việc đồng áng, chị Dợ phải đảm nhiệm vai trò “vú em” để con gái đi làm thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhìn căn nhà gỗ, nền đất, rộng chừng 30 m2, bên trong chỉ có 2 cái giường ọp ẹp, bộ bàn ghế cũ và một ít chén bát, xoong, chậu, chúng tôi không khỏi ái ngại cho gia cảnh của chị. Hỏi chuyện con gái lấy chồng sớm, chị Dợ không ngần ngại: “Đó là phong tục của người Mông mình mà. Con gái càng nhiều tuổi càng khó lấy chồng và tiền thách cưới cũng được ít, không đủ đãi cả thôn ăn uống”.
Lấy chồng sớm sinh nhiều con nên gia đình chị Lý Thị Dợ luôn thuộc diện hộ nghèo của thôn Cư Rang. |
Chuyện chị em lấy chồng sớm, đẻ nhiều, đẻ dày ở đây không phải là hiếm, như chị Thào Thị Xua, sinh năm 1986 nhưng hiện đã có 4 đứa con. Ông Lê A Gàn, chồng chị năm nay đã 86 tuổi nên mọi việc đồng áng, nội trợ trong gia đình đều do một tay chị lo liệu. Vất vả, lo toan nhiều khiến căn bệnh tim ngày càng nặng, không có tiền chữa trị nên chị đã mất cách đây 3 tháng. Do vậy, người con trai đầu mới 10 tuổi phải đi ở đợ, con gái thứ hai vừa học hết lớp 1 cũng nghỉ ở nhà để chặt mì thuê. Căn nhà gỗ tuềnh toàng giờ chỉ còn lại ông Gàn và 2 đứa con nhỏ sống nhờ vào tình thương của bà con trong thôn. Không biết rồi đây, số phận của những đứa trẻ này sẽ như thế nào bởi ông bố đã quá già yếu.
Cần những giải pháp gỡ khó
Tuy không còn hủ tục “bán con” và “mua dâu”, nhưng đồng bào Mông ở thôn Cư Rang vẫn duy trì tập tục thách cưới. Theo chị Thào Thị Vy, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn thì gia đình nào gả con gái khi mới 14, 15 tuổi sẽ có quyền đòi tiền thách cưới nhiều hơn, nếu đã 18, 19 tuổi thì không được là bao. Và như vậy, nhiều đứa trẻ mới 15, 16 tuổi đã trở thành bố, mẹ và bố, mẹ chúng được lên chức ông, bà khi mới ngoài 30 tuổi. Từ lâu đời, người phụ nữ Mông luôn là lao động chính trong gia đình nên nhà nào càng có đông người làm có nghĩa là sẽ có nhiều của ăn, của để. Chính từ suy nghĩ đó, họ đều muốn con trai mình lấy vợ sớm và sinh nhiều con để có thêm lao động. Vì làm vợ, làm mẹ sớm lại không được học hành nhiều nên phụ nữ Mông thường không biết cách nuôi dạy con và chăm sóc sức khỏe cho mình. Lấy chồng sớm - đông con - nghèo đói, cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại trong cuộc sống của người dân nơi đây. Toàn thôn có 171 hộ nhưng có tới 80 hộ thuộc diện nghèo. Chị Dương Thị Dung, cộng tác viên dân số của thôn phân trần: “Các hộ trong thôn đều theo đạo tin lành, trình độ dân trí thấp nên việc vận động sử dụng các biện pháp tránh thai gặp rất nhiều khó khăn. Họ cho rằng việc sinh đẻ là quy luật tự nhiên, nếu dùng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nhất là triệt sản sẽ không còn sức khỏe đi làm rẫy”. Trước tình trạng đó, chuyên trách dân số xã và 2 cộng tác viên dân số thôn thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể làm công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đến nay, trong thôn đã có 80% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, một số người sinh 9, 10 đứa con đã chịu đi triệt sản. Mặc dù vậy, về lâu dài để đồng bào thôn Cư Rang có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể; trước mắt là đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thuyết phục bà con loại bỏ các phong tục lạc hậu trong cưới hỏi, không để xảy ra tình trạng tảo hôn…, thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Dân số.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc