Hỡi ơi khói thuốc!
Kỳ I: “Đất sống”
Khó có thể xác định chính xác thời gian bắt đầu khai sinh của loại thức hút này. Chỉ biết rằng nó đã trở thành thói quen khó bỏ và gây nghiện cho nhiều thế hệ, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi và ở nhiều quốc gia khác nhau...
Không giới hạn
Trong một hội nghị được tổ chức mới đây tại TP. Buôn Ma Thuột, bà Phạm Thị Lê Trâm, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong 15 nước sử dụng thuốc lá hàng đầu thế giới. Nghe thông tin này, chẳng mấy người giật mình và hoàn toàn có thể tự kiểm chứng từ chính thực tiễn xung quanh mình. Có thể nói, ít có thói quen nào lại được thực hiện tự do và vô tư ở mọi nơi như với hút thuốc lá. Nói một cách chính xác và đầy đủ là khi chưa có những quy định liên quan đến việc cấm hút thuốc lá cũng như khi cộng đồng chưa có sự phản đối mạnh mẽ, người ta có thể bắt gặp những làn khói trắng nhả ra từ nhiều đối tượng, bất kể địa điểm và không gian nào. Từ quan chức, cán bộ nhà nước đến nông dân; người làm công tác nghiên cứu, trí thức đến người lao động chân tay; người già, người trẻ; người giàu, người nghèo; người thành phố, người nông thôn; nam hay nữ đều có người hút và nghiện, chẳng có sự phân biệt độ tuổi, giới tính, đẳng cấp, thành phần dân tộc. Xem ra, thuốc lá có vẻ rất “bình đẳng” với các tín đồ của mình! Đáp lại sự đối xử “công bằng”, “bình đẳng” ấy, người hút cũng khá hào phóng và vô tư trong sử dụng. Ngồi nhậu, uống cà phê, phì phèo vài điếu cho thêm vị, ừ thì cũng đành chấp nhận. Nhưng hội họp cũng hút thuốc, hút trong phòng lạnh, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc có phụ nữ mang thai, hút nơi vui chơi công cộng dành cho trẻ em; thậm chí vào đến bệnh viện, nơi sức khỏe có vấn đề cần được cứu giúp mà khói thuốc vẫn bay thì kể cũng quá vô tư...
Không khó để bắt gặp những hình ảnh người thăm bệnh vô tư hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện (Ảnh chụp sáng ngày 13-5-2013 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh). |
Có lẽ cũng vì nắm bắt thói quen, thích và thèm đâu hút đó của các đối tượng nên Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013 đã quy định khá chi tiết, cụ thể về địa điểm cấm hút thuốc, trong đó có nhiều điểm cấm hút thuốc hoàn toàn.
Cái lý có chân
Khoảng 1 giờ ngồi đợi vợ vào khám ở bệnh viện, anh Văn Hải, nhà ở huyện Buôn Đôn đã đốt vài điếu thuốc. Tại các điểm dừng của xe buýt, ga tàu, bến xe, cánh xe thồ ngồi buồn đợi khách cũng phì phèo đôi điếu. Có vẻ thuốc lá là bạn đồng hành thân thiết khi các tín đồ của mình rảnh rang, chờ đợi, ngồi không không biết làm gì. Còn với thanh thiếu niên, hút thuốc đôi khi chỉ để thỏa mãn tính hiếu thắng, tò mò và thích thể hiện mình. Năm nay mới là học sinh lớp 11 của một trường THPT ở TP. Buôn Ma Thuột, nhưng em P.V.T đã hút thuốc lá khá sành sỏi. Hỏi lý do tại sao, T. tỉnh bơ nói rằng, ở nhà: bố, các bác, các chú hút được thì tại sao mình lại không, với lại, biết hút thuốc mới chứng tỏ mình đã là “đàn ông” đích thực! Nghĩ vậy nên khi bạn bè rủ rê, H. tặc lưỡi “ừ thì thử một lần cho biết”. Từ sau lần đó đến nay T. đã “gắn bó” với thuốc lá thuốc hơn 3 năm. “Bạn bè ai cũng hút chẳng lẽ mình lại bỏ, hơn nữa bố mẹ cũng không phản đối nhiều, miễn mình cứ học tốt là được”, T. phân trần.
Với nhiều cán bộ, công chức nhà nước, sau những phút làm việc căng thẳng, họ tự giải lao và thưởng cho mình điếu thuốc và lý giải: Khi đầu óc căng thẳng, thậm chí bực bội, cáu gắt thì thuốc lá làm họ thư giãn, thoải mái. Đặc biệt với những người lao động trí óc nhất là văn nghệ sĩ, lý lẽ để họ tìm đến và nghiện hút thuốc là có thêm cảm hứng để sáng tác. Giới kinh doanh tự phong tặng cho thuốc lá là cầu nối, chất xúc tác trong những cuộc giao dịch làm ăn. Ngay cả đến khi lý lẽ đưa ra có vẻ yếu thế hơn trước những thông tin rất thuyết phục cần phải bỏ thuốc rằng: khói thuốc có 7 nghìn chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, gây ra 25 loại bệnh nguy hiểm thì nhiều tay nghiện đã tự chống chế bằng cách chuyển sang thuốc lá “nhẹ, êm, ít hắc ín”, với lý giải: cho đỡ hại. Nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế thì lượng nicotine vào cơ thể khi hút loại thuốc lá này cũng không ít hơn, đó chỉ là lựa chọn khác và lý do cho người hút thuốc không bỏ thuốc.
Mỗi người mỗi lý do, nhưng chung quy lại chỉ là những lý lẽ để che đậy một tật, một bệnh của mình: đã nghiện thuốc lá và bị chất nicotine trong thuốc lá khống chế. Khi định ngưng hút là những cơn đói thuốc hành hạ như bồn chồn, lo âu vô cớ, đứng ngồi không yên, ngáp ngắn ngáp dài, nhức đầu, kém tập trung, chóng mặt, khó chịu trong bao tử. Khi mỗi ngày phải hút nhiều hơn mới thấy đã cơn ghiền. Tới giai đoạn này thì những lý lẽ bao biện cho thói quen hút thuốc, khó và không bỏ thuốc đã tạo đất sống để chất nicotine nắm quyền kiểm soát. Hậu quả thật buồn...
(còn nữa)
Đàm Xuân Gia
Ý kiến bạn đọc