Hỡi ơi khói thuốc!
Kỳ IV: Khi phòng, chống tác hại của thuốc lá được “luật hóa”
Kể từ ngày 1-5-2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành. Khi việc phòng, chống tác hại của thuốc lá được “luật hóa”, người ta kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như chế tài để thực thi, hóa giải những khó khăn trong công tác này bấy lâu…
Những bước đi mạnh mẽ
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có 5 chương và 35 điều với các biện pháp cơ bản nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Tại Hội thảo, đại diện của Văn phòng Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá khẳng định: Đây không phải là luật phòng, chống thuốc lá mà chỉ phòng, chống tác hại của thuốc lá theo cách tiếp cận của y tế cộng đồng. Mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá, giảm quá tải cho hệ thống y tế, giảm gánh nặng ngân sách.
Xem xét, hội chẩn bệnh án của bệnh nhân bị các bệnh về phổi liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. |
Trong 35 điều của Luật, những điểm mới được xã hội quan tâm, đó là: Các hành vi bị cấm, nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng hình ảnh thuốc lá trên bao bì, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. Các địa điểm cấm thuốc lá hoàn toàn gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở. Luật cũng quy định nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và các thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần; cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và chính sau trên bao, tút và hộp thuốc lá. Sau 3 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong một bao không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu.
Để Luật đi vào cuộc sống
Với vai trò chủ chốt, đại diện ngành Y tế, bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Để Luật đi vào cuộc sống, lực lượng y tế trước hết phải đi đầu trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, qua công tác khám chữa bệnh, tuyên truyền điều chỉnh hành vi, thói quen của bệnh nhân. Cần phải khắt khe, nghiêm khắc hơn hơn trong nhắc nhở, kiểm điểm đối với những cán bộ trong ngành mà hút thuốc, nhất là trong môi trường khám chữa bệnh. Căn cứ nội dung của luật, các cơ sở y tế phải xây dựng và thực thi nghiêm quy định bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hút thuốc trong bệnh viện, tiến tới không hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện.
Trước những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trước đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh cho rằng: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá giúp tổ chức công đoàn có thêm “cây gậy”, thêm hành lang pháp lý để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Trong năm 2013, LĐLĐ tỉnh sẽ triển khai nhiều biện pháp “xốc lại” công tác này: ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật tới các cấp công đoàn; sưu tầm các video clip đẩy lên trang web của Liên đoàn; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về thuốc lá trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chỉ đạo công đoàn các cấp thống kê lại số lượng CNVCLĐ hút thuốc lá, tiếp tục tư vấn cai nghiện trên bản tin công đoàn, không để phát sinh đối tượng hút thuốc lá bằng cách đưa quy định này vào quá trình ký hợp đồng, xét thi đua, khen thưởng, tổ chức ký cam kết xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc… Tuy nhiên, bà Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn bởi theo thống kê, trong 3 năm qua, cả nước mới chỉ xử phạt được 10 trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng, còn tại Dak Lak thì chưa xử phạt bất kỳ một trường hợp nào. Vậy khi Luật có hiệu lực, ai sẽ là người thực thi, chịu trách nhiệm xử phạt, mức phạt căn cứ vào đâu? Điều này cũng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Những tác hại của thuốc lá tới sức khỏe con người không thể lường hết, trong khi đó cảnh báo trên bao thuốc lá của Việt Nam mới chỉ có một dòng: “Hút thuốc lá gây ung thư phổi” là chưa đủ sức nặng. Theo đó, nhiều người cho rằng cần phải có những cảnh báo ở mức độ cao hơn, không chỉ bằng câu từ mà phải bằng hình ảnh để tác động trực quan. Về đề nghị này, Bộ Y tế cũng xây dựng và đưa ra 6 mẫu cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, và với quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: “cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và chính sau trên bao, tút và hộp thuốc lá”, hy vọng tác dụng tuyên truyền sẽ mạnh hơn.
Băn khoăn về việc làm sao xác định được độ tuổi để nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi mà báo chí bàn luận khi Luật có hiệu lực thi hành, theo bà Phạm Thị Lê Trâm, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế: Những nội dung quy định này quan trọng và trước hết vẫn là để hướng đến mục tiêu tuyên truyền, thay đổi ý thức của người hút và người bán trong việc xây dựng khung pháp lý giới hạn độ tuổi vì thực tế đối tượng nghiện hút thuốc đang trẻ hóa. Sau tuyên truyền, vận động sẽ là biện pháp xử phạt. Tất nhiên xử phạt như thế nào sẽ cần có quy định cụ thể về người xử phạt, mức độ phạt.
Nói gì thì nói, biện pháp, chế tài nào cũng sẽ khó bền vững và không thường xuyên nếu không đề cập đến một vấn đề dù cũ nhưng không thể bỏ qua, đó là quyết tâm từ bỏ thói quen này của người hút thuốc. Như chia sẻ của bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Trong những năm qua, bệnh viện tỉnh cũng đã thực hiện được nhiều biện pháp phòng, chống hút thuốc lá tại bệnh viện, như: tăng cường công tác truyền thông tới toàn thể cán bộ, công nhân viên; nghiêm cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, tại các khoa phòng, buồng bệnh; treo biển “Cấm hút thuốc lá” ở các hành lang, buồng bệnh và các phòng làm việc của cán bộ viên chức… Từ đó 100% cán bộ công nhân viên không hút thuốc lá trong giờ làm việc cũng như trong khuôn viên của bệnh viện. Thế nhưng ngoài giờ hành chính thì người quản lý và điều chỉnh hành vi của người hút thuốc lại không ai khác chính là thái độ và ý thức của chính họ. Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho rằng: Ngoài sự động viên, khích lệ của gia đình, sự lên tiếng, phê phán của cộng đồng thì chính bản thân người nghiện thuốc lá phải thực sự có quyết tâm cao. Vì thực tế chẳng có luật nào, chẳng ai có thể hàng ngày hàng giờ theo sát để tố giác và xử phạt, trong khi người hưởng lợi từ những quy định của luật chính là sức khỏe của bản thân họ, những người thân xung quanh.
Đàm Xuân Gia
Ý kiến bạn đọc