Multimedia Đọc Báo in

Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chế độ ốm đau, thai sản

23:10, 24/05/2013

Trợ cấp ốm đau, thai sản là chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn hạn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động giải quyết cho cán bộ, công chức,  người lao động hưởng và quyết toán với cơ quan BHXH. Từ khi thực hiện Luật BHXH đến nay, nhìn chung các cơ quan, đơn vị đã giải quyết cơ bản đúng chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều cơ quan, đơn vị đã gặp không ít lúng túng khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản. Trong phạm vi bài viết này, xin nêu một số vấn đề cơ bản cần lưu ý khi thực hiện chế độ BHXH.

 Thực hiện tốt chế độ BHXH sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là trong thời gian nuôi con nhỏ.  (Ảnh  minh họa)
Thực hiện tốt chế độ BHXH sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là trong thời gian nuôi con nhỏ. (Ảnh minh họa)

Theo Luật BHXH, các cơ quan, đơn vị được giữ lại 2% tổng số tiền đóng BHXH để thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động; hằng quý phải quyết toán với cơ quan BHXH, nếu còn thừa thì nộp vào quỹ, nếu thiếu thì sẽ được cơ quan BHXH cấp bù. Do vậy, các cơ quan, đơn vị phải hết sức chủ động, khi có trường hợp phát sinh ốm đau, thai sản thì giải quyết ngay, chi trả cho người lao động trên 2% nói trên, bảo đảm cho người lao động được hưởng trợ cấp kịp thời khi nguồn thu nhập từ lương bị giảm sút. Trên thực tế, trong thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã giải quyết chế độ ốm đau, thai sản không kịp thời, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện quyết toán xong với cơ quan BHXH rồi mới giải quyết chế độ, hoặc khi đã được cơ quan BHXH thẩm định hồ sơ, cấp bù kinh phí mới thực hiện chi trả cho người lao động. Do đó, nhiều trường hợp khi sinh xong trở lại làm việc người lao động mới nhận được trợ cấp, thậm chí có trường hợp sinh xong đến khi con tròn một tuổi người mẹ mới nhận được chế độ thai sản.

Để chủ động thực hiện chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động, các cơ quan, đơn vị cần nắm rõ nội dung cơ bản về chế độ này. Đối với chế độ ốm đau, khi thực hiện giải quyết cần xem xét kỹ về thời gian công tác (thời gian tham gia BHXH), điều kiện lao động, ngành nghề mà người lao động đang làm, khu vực đơn vị đang đứng chân… để giải quyết cho người lao động nghỉ hưởng ốm đau trong năm là 30 ngày, 40 ngày, hay 60 ngày tùy theo thời gian công tác là dưới 15 năm, từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm hay từ đủ 30 năm trở lên; hoặc 40 ngày, 50 ngày hay 70 ngày trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại, làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên, tương ứng với thời gian công tác đã đóng BHXH; mức hưởng trợ cấp ốm đau bằng 75% mức lương của tháng liền kề trước khi nghỉ ốm. Chú ý là trong thời gian nghỉ ốm đau, khi tính hưởng BHXH phải trừ những ngày nghỉ hằng tuần và những ngày mà người lao động được nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật. Khi người lao động đã nghỉ chế độ ốm đau hết thời gian quy định trong năm thì xem xét trường hợp bệnh tật của người lao động có thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hay không? Nếu người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì giải quyết hưởng tiếp chế độ ốm đau với thời gian không quá 180 ngày trong 1 năm tính cả ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết; khi hết 180 ngày mà người lao động vẫn chưa khỏi bệnh thì giải quyết hưởng tiếp trợ cấp ốm đau với mức trợ cấp thấp hơn, tỷ lệ hưởng là 65%, 55%, hay 45% tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

Người lao động đã nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoản thời gian 30 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc mà sức khỏe còn yếu thì giải quyết cho người lao động nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5-10 ngày tùy theo bệnh tật và hình thức điều trị. Mức trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe mỗi ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung (lương tối thiểu chung hiện nay là 1.050.000 đồng) nếu nghỉ dưỡng sức tại nhà, bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức ở các cơ sở tập trung. Thủ tục hồ sơ nghỉ dưỡng sức gồm danh sách đề nghị nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe có xác nhận của thủ trưởng đơn vị và công đoàn cơ sở.

Theo quy định mới nhất tại Điều 157, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 240 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18-6-2012 thì người lao động được nghỉ hưởng chế độ thai sản là 6 tháng trong điều kiện lao động bình thường.

Khi thực hiện giải quyết chế độ thai sản, các cơ quan đơn vị cần chú ý đến một số nội dung như: Người lao động đã có đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ thai sản hay chưa, bằng cách tính từ ngày người lao động nghỉ sinh lùi về trước 1 năm, nếu trong vòng 1 năm mà người lao động có đủ 6 tháng đóng BHXH trở lên thì thực hiện giải quyết, nếu chưa đủ thì không thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản; thứ hai là xem người lao động có làm công việc nặng nhọc, độc hại, khu vực đơn vị đứng chân có hệ số phụ cấp bao nhiêu, người lao động có thuộc đối tượng tàn tật hay không, người lao động sinh một, hai hay ba con… để tính số tháng được hưởng thêm so với điều kiện lao động bình thường.

Một số trường hợp thường gặp phải sai sót khi tính toán chế độ thai sản đó là những trường hợp nghỉ khám thai, sẩy thai, thai chết lưu, con chết sau khi sinh, người mẹ chết sau khi sinh…

Do đó, người thực thực hiện cần phải xem kỹ quy định về điều kiện, thời gian, mức hưởng để thực hiện đúng với quy định của Luật.

Mức hưởng trợ cấp thai sản bằng mức bình quân tiền lương, tiền công của 6 tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc nhân với số ngày được nghỉ theo quy định (kể cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, tết theo quy định), ngoài ra người lao động còn được hưởng thêm 2 tháng lương tối thiểu chung sau khi sinh con.

Những người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ ngày 1-5-2013 trở đi hoặc những người đến ngày 1-5-2013 vẫn còn trong thời gian hưởng chế độ thai sản (nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 2-1-2013 trở đi trong điều kiện bình thường) thì các cơ quan đơn vị giải quyết cho người lao động được nghỉ hưởng trợ cấp 6 tháng theo quy định.

Khi người lao động nghỉ sinh chưa hết thời gian theo quy định nhưng có nguyện vọng trở lại làm việc sớm hơn (nếu có xác nhận của bác sĩ về bảo đảm sức khỏe và được chủ sử dụng lao động đồng ý) thì trong thời gian đó người lao động vừa được hưởng lương, vừa được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp nghỉ hết thời gian thai sản theo quy định mà sức khỏe người lao động còn yếu thì giải quyết cho người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày, 7 ngày hay 10 ngày tùy theo điều kiện thai sản, thời gian được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là trong vòng 60 ngày kể từ ngày người lao động đã nghỉ hưởng hết tiêu chuẩn theo quy định; do vậy, nếu giải quyết chế độ thai sản chậm thì người lao động mất quyền lợi được hưởng về chế độ này.

Trương Văn Bá

(Bảo hiểm Xã hội tỉnh)


Ý kiến bạn đọc