Multimedia Đọc Báo in

10 NĂM PHONG TRÀO HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO VÀ TÔN VINH NGƯỜI HIẾN MÁU TIÊU BIỂU TỈNH DAK LAK (2003-2012):

Hiến máu nhân đạo: Trao thêm sự sống, trao thêm tiếng cười

05:37, 05/06/2013

Hiến máu nhân đạo, một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ nghĩa cử này, biết bao người bệnh đã qua cơn hiểm nghèo. Phóng viên Báo Dak Lak có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh về những kết quả qua 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện.

*Thưa ông, nhìn lại chặng đường 10 năm trong công tác vận động hiến máu tình nguyện, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật nhất?

Trong 10 năm qua (2003-2012), từ khi Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh được thành lập, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia hiến máu tình nguyện, của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân  trong tỉnh, hệ thống ban chỉ đạo các cấp được thành lập, kiện toàn, bổ sung hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả và ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện, bảo đảm cung cấp đủ máu an toàn, chất lượng cho các bệnh viện nhằm phục vụ cho nhu cầu điều trị, cấp cứu cho cán bộ, nhân dân và an ninh quốc phòng trong toàn tỉnh.

Kết quả vận động và tiếp nhận máu hằng năm đã có tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, từ 694 đơn vị máu năm 2003 tăng lên 11.742  đơn vị máu năm 2012; hiến máu tình nguyện năm 2003 mới đạt tỷ lệ 27,8%, còn lại là bán máu chuyên nghiệp thì đến năm 2012 tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 94,7% còn lại là hiến máu người nhà, không còn người bán máu chuyên nghiệp. 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện đã vận động được 64.150 lượt người tham gia và tiếp nhận được 46.999 đơn vị máu, tương đương với 11.749,75 lít máu. Trong đó có 44 người tham gia hiến máu trên 10 lần, 15 người tham gia hiến máu 9 lần và đặc biệt có 3 gia đình cả nhà tham gia hiến máu và hiến máu trên 10 lần. Điều đó cho thấy nhận thức về hiến máu nhân đạo trong cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tăng lên rõ rệt.

*Kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình để thu được những kết quả ấy là gì, thưa ông?

Năm 2003 khi mới thành lập Ban Chỉ đạo, công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ công nhân viên chức, học sinh – sinh viên và nhân dân chưa quen tham gia hiến máu, còn e ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe công tác, học tập, lao động. Song bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; Báo Dak Lak và hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; trong các cuộc họp cơ quan, nhân dân nên nhận thức trong cộng đồng ngày một nâng cao. Hiện nay đã có cơ quan, công ty chủ động đến đăng ký cho cán bộ - nhân viên đơn vị mình tham gia hiến máu và ngày càng có nhiều thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số hăng hái tham gia hiến máu.

Mỗi giọt máu cho đi, trao thêm niềm hy vọng và hạnh phúc  cho người bệnh.
Mỗi giọt máu cho đi, trao thêm niềm hy vọng cho người bệnh.

Một hình thức hiệu quả nữa đó là các câu lạc bộ. Trong 10 năm qua trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể đã tổ chức vận động thành lập được 8 câu lạc bộ vận động hiến máu và hiến máu dự bị (hay còn gọi là ngân hàng máu sống) là lực lượng sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào, khi có bệnh nhân cần máu mà bệnh viện không đủ máu dự trữ hoặc những ca bệnh cấp cứu cần truyền máu tươi hoặc khi có thảm họa xảy ra cần truyền máu với số lượng lớn. Có thể kể đến như mô hình “Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện” có 6 Câu lạc bộ, gồm: Trường Đại học Tây Nguyên, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, Trường Cao đẳng Nghề thanh niên Dân tộc Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh, với 1.150 tình nguyện viên. Mô hình  “Câu lạc bộ hiến máu dự bị” của Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh được thành lập 2007 đến nay với 900 tình nguyện viên; Câu lạc bộ “Giọt hồng” của Công an tỉnh được thành lập năm 2011 với 300 tình nguyện viên.

*Thưa ông, hiến máu là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Cùng với nhiều tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, thuộc nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội, lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động này là giới trẻ. Vậy sẽ có sự kết nối cũng như cách thức tuyên truyền như thế nào để tiếp tục vận động được nhiều hơn trong cộng đồng đặc biệt là giới trẻ cùng tham gia?

Máu là một loại thuốc đặc biệt quý vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu được một dược phẩm nào để thay thế máu. Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là lực lượng thanh niên đối với cộng đồng xã hội. Hiến máu nhân đạo là trao thêm sự sống, trao thêm tiếng cười và vòng tay yêu thương đồng loại. Vì vậy công tác tuyên truyền trong vận động hiến máu là một nội dung hết sức quan trọng có yếu tố quyết định số lượng người đến điểm hiến máu và số máu tiếp nhận được. Để tuyển chọn được người hiến máu, tiêu chuẩn đầu tiên phải là người có đủ sức khỏe nên lực lượng tham gia hiến máu chính là giới trẻ. Trong 10 năm qua, ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã phối hợp với tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên của các trường Đại học, THCN, THPT, thanh niên trong cộng đồng dân cư về mục đích ý nghĩa của việc hiến máu cứu người gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để thanh niên thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã, từ đó khẳng định mình là rường cột nước nhà “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vì vậy mà phong trào hiến máu tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, bảo đảm đáp ứng đủ máu cho cấp cứu và điều trị nhân dân trong toàn tỉnh.

Đàm Thuần (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.