Multimedia Đọc Báo in

Cần ứng xử nhân văn với người khuyết tật

09:13, 28/07/2013

Quán ăn trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) có đông người ra vào, với giọng mời khách đon đả, ngọt như mật rót vào tai của bà chủ quán: “anh, chị dùng món gì để em làm”. Bỗng giọng bà im bặt khi có một cô bé (bị chứng bệnh động kinh) bước vào xin tiền. Một số thực khách tỏ ra khó chịu, bởi đang ăn mà bị làm phiền, có người bảo không có tiền cho. Cô bé hiểu được và đến chỗ người khác để xin, người có ít cho ít, nhiều cho nhiều. Trong lúc ngồi nghỉ tại bàn ăn, bỗng nhiên cô bé lăn đùng ra giữa quán, mọi người đều tập trung về phía cô bé, người đỡ dậy, người lấy dầu nóng xoa bóp, có người không hiểu rõ bệnh tình cô bé thế nào, định gọi xe đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Bỗng bà chủ quán cao giọng quát tháo: “để đó tao lo”, khiến ai cũng ngỡ ngàng, bởi câu nói và thái độ của chủ quán khá hung hăng. Lập tức đám đông xung quanh cô bé giải tán, kèm theo đó là những lời hăm dọa của chủ quán: “không ra khỏi đây tao cho chó cắn chết”, ngữ điệu nặng nề, chì chiết và lặp đi lặp lại nhiều lần, không còn là những lời đường mật khi bà chủ đối đáp với “thượng đế” nữa. Bữa ăn hôm đó của mọi người trong quán trở nên “mất ngon” không phải vì hành động xin tiền của cô bé mà bởi thái độ đối xử với người khuyết tật của chủ quán. Cô bé sau khi được mọi người giúp đỡ, tỉnh lại chủ động bước ra khỏi quán ăn, kéo theo những ánh mắt đầy thương cảm của thực khách. Bóng em khuất dần ở phía xa, lòng tôi thầm tự nhủ: Liệu còn có quán ăn nào hất hủi em kiểu đó nữa không, và nếu người thân em nghe được những câu nói đe dọa đó của bà chủ quán đối với em thì lòng họ sẽ xót xa thế nào…?

Trong cuộc sống, người khuyết tật đã chịu nhiều thiệt thòi, chỉ vì những khiếm khuyết nào đó trong cơ thể mà có lúc, có nơi họ bị dè bỉu, miệt thị. Thiết nghĩ, để người khuyết tật không tự ti, mặc cảm, và tự kiếm sống được bằng sức lực của mình, rất cần sự sẻ chia, cảm thông và cái nhìn nhân văn của mọi người, nhất là trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày, như đạo lý truyền thống từ ngàn xưa của cha ông ta “thương người như thể thương thân”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.