Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những người Mông đi làm thuê thoát nghèo

21:37, 13/07/2013

Thôn Ea Uôl là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Thôn có 317 hộ, 1.890 khẩu; trong đó có 44,2% hộ thuộc diện nghèo. Hầu hết người dân là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Do gần 30% hộ dân trong thôn thiếu đất sản xuất nên đã có rất nhiều gia đình phải đi làm thuê; trong đó có không ít gia đình từ việc làm thuê đã tích cóp được tiền xây nhà, mua đất sản xuất và đã vươn lên thoát nghèo.

Anh Sính Mí Lự bên căn nhà gỗ 5 gian của gia đình mình.
Anh Sính Mí Lự bên căn nhà gỗ 5 gian của gia đình mình.

Vợ chồng anh Sùng Mí Co là một trường hợp thiếu đất sản xuất nên hằng ngày phải đi làm thuê để kiếm sống. Anh cho biết: “Mình từ huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) vào đây năm 2005. Khi mới vào không có nhà nên phải gửi 3 đứa con ở nhờ nhà người quen để hai vợ chồng đi làm thuê. Mỗi ngày cũng kiếm được từ 150.000-200.000 đồng. Trừ tiền ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng vợ chồng mình cũng tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng. Có tiền, mình thuê 2 sào ruộng với giá 1,5 triệu đồng/1 vụ và 5 sào rẫy để làm. Vừa làm ruộng, vừa đi làm thuê và cố gắng dành dụm tiền, đến nay gia đình mình đã mua đất làm được một căn nhà gỗ 2 gian và có 5 sào đất để trồng bắp. 3 đứa con cũng có điều kiện hơn để cắp sách đến trường. Hằng ngày mình vẫn đi làm thuê để kiếm tiền thuê đất làm ruộng, mua quần áo, giày dép cho 3 đứa con đi học…”.

Gia đình anh Sùng Nó Chá từ huyện Yên Minh (Hà Giang) chuyển vào thôn Ea Uôl từ năm 2000. Bán hết nhà cửa, đồ đạc ở ngoài Bắc vào chỉ đủ mua một mảnh đất dựng túp lều nhỏ để hai vợ chồng và 4 đứa con ở. Từ lúc đó, vợ chồng anh bắt đầu đi làm thuê, ai thuê gì thì làm nấy: từ làm cỏ, cuốc đất đến chặt cây, bổ củi… Từ một hộ đói, đến nay anh đã làm được nhà, mua được 1 ha đất sản xuất, mua được cả trâu và xe máy; năm 2011, gia đình anh đã thoát nghèo. Anh tâm sự: “Khi mới vào, với 2 bàn tay trắng lại nuôi 5 đứa con, cuộc sống của gia đình mình vô cùng vất vả. Nhiều hôm không có gì để ăn nên vợ chồng bảo nhau đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo. Lúc đầu đi làm thuê chúng tôi cũng thấy ngại lắm nhưng dần dần rồi quen. Ngày nào cũng vậy, thức dậy lúc 4 giờ để lo cơm nước cho con rồi hai vợ chồng đạp xe đi tìm việc. Mới đầu ít người thuê nhưng do mình làm cẩn thận lại chịu khó nên sau này có nhiều người quen, hễ có việc cần là họ gọi điện thoại bảo mình đến làm. Tuy bây giờ đã làm được nhà, mua được đất sản xuất nhưng những lúc công việc nương rẫy của gia đình xong, vợ chồng mình lại đi làm thuê để kiếm tiền mua giống, phân bón, mua thức ăn và sắm sửa đồ dùng sinh hoạt…”.

Gia đình anh Giành Chúng Vừ cũng quê ở huyện Yên Minh vào thôn Ea Uôl năm 2004. Do vào sau, đông con lại ít đất sản xuất nên từ khi vào đến nay, vợ chồng anh chủ yếu đi làm thuê. Anh tâm sự: “Gia đình tôi có 4 sào đất rẫy và 1 sào ruộng. Nếu vợ chồng tôi không đi làm thuê thì chẳng đủ ăn, đủ mặc, con cái sẽ không được đi học. Hằng ngày hai vợ chồng tôi và đứa con trai lớn dậy nấu cơm rồi ra đường chờ người thuê làm. Trước kia đi làm thuê công nhật mỗi ngày 2 vợ chồng kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày; bây giờ chủ yếu là nhận khoán. Mỗi ngày 2 vợ chồng và đứa con làm tích cực từ sáng đến tối được hơn 400.000 đồng. Làm như vậy chủ thuê cũng thích mà mình cũng đạt ngày công. Nhờ đi làm thuê mà gia đình đã làm được nhà, mua được xe máy và một số vật dụng trong gia đình như ti vi, máy khâu... Hiện nay kinh tế của gia đình cũng đã đủ ăn, không còn phải nhịn đói hay vay mượn như trước nữa…”.

Tương tự như các gia đình khác, gia đình anh Sính Mí Lự rời Hà Giang vào đây lập nghiệp từ năm 2000. Vốn liếng ban đầu sau khi bán hết tài sản ở quê chỉ mua được hơn 7 sào đất dốc nên gia đình anh vừa khai hoang, vừa đi làm thuê để tích cóp tiền mua đất. Đến nay gia đình anh đã có 4 sào ruộng làm 2 vụ, hơn 1 ha đất trồng bắp và làm được căn nhà gỗ 5 gian, mua xe máy cùng nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị… Anh Lự cho biết: “Gia đình mình đã thoát nghèo được 2 năm rồi. Cuộc sống bây giờ tương đối ổn định; vừa qua mình còn giúp anh trai được hơn 20 triệu để làm nhà gỗ…”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.