Multimedia Đọc Báo in

Hai lần tai biến, vẫn cống hiến cho khoa học và... thơ

10:51, 27/07/2013

PGS.TS Phan Quốc Sủng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cà phê Việt Nam (sau này là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) năm nay đã bước sang tuổi 78. Trải qua hai lần tai biến mạch máu não nhưng nhờ kiên trì uống thuốc, tập luyện, ông đã phục hồi được các chức năng vận động, tiếp tục cống hiến cho khoa học và… làm thơ.

Gượng dậy sau mỗi lần tai biến

Chúng tôi đến thăm PGS.TS Phan Quốc Sủng sau ngày ông bị tai biến lần hai chưa đầy một năm. Di chứng từ lần tai biến này vẫn còn “dấu vết”: ông đi đứng chậm chạp hơn, đi lên xuống bậc thang phải chống gậy, nói năng cũng khó khăn hơn, trong suốt cuộc nói chuyện phải ngừng nghỉ nhiều lần. Nhưng trí nhớ của nhà khoa học gần bước sang tuổi bát thập vẫn rất tốt, đầu óc rất tỉnh táo và minh mẫn. Chẳng những nhớ như in những lần tai biến của mình, ông còn có cách suy luận về nguyên nhân một cách rất… khoa học.

 PGS.TS  Phan Quốc Sủng vẫn  xách nước, tưới hoa  mỗi sáng.
PGS.TS Phan Quốc Sủng vẫn xách nước, tưới hoa mỗi sáng.

Lần tai biến đầu tiên xảy đến với ông vào ngày 26-6-1999, khi ông 64 tuổi. PGS.TS Phan Quốc Sủng nhớ lại: “Vào ngày hôm đó, do vừa trải qua một đợt cảm cúm dài nên tôi quyết định đi xông hơi cho người nhẹ nhõm, sau đó lại uống thêm một cốc bia lạnh, tâm trạng thì bực bội vì công việc chưa được giải quyết. Trở về nhà, đang nằm xem chương trình ti vi trên salon thì đột nhiên tôi thấy người nghẹo đi, sùi bọt mép, không nói được. Tôi chưa có khái niệm gì về tai biến, cứ ngỡ mình bị hạ đường huyết nên cố gắng nói con pha cho cốc sữa nóng, song nói mãi con nó mới hiểu. Bà vợ ở ngoài về mới nói là ông bị tai biến mạch máu não rồi”. Ông được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Di chứng của tai biến khiến nửa người bên trái của ông gần như bị liệt. Nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy 40 ngày, ông bắt đầu tập đi. Lúc đầu tựa nách vào 2 thanh gỗ xà kép để tập đi, chỉ đi được ba bước là chảy nước mắt vì đau quá, 3-4 ngày sau thì đi được 5, 6 mét rồi dần dần đi được xa hơn. Sau này, ông từng làm thơ khi nhớ về những ngày tập đi ấy: “Ta lại tập đi như lúc còn thơ/Sáng sáng, chiều chiều, chẳng sai giờ/Bước thấp, bước cao, chân loạng choạng/Quy luật tạo hóa, có ai ngờ”. Vừa tự tập luyện vừa đi châm cứu, tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi về Bệnh viện Y học cổ truyền Dak Lak, lại ra Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng (Bộ Nông nghiệp) ở Hà Nội. Cứ kiên trì như thế, chỉ một năm sau PGS.TS Phan Quốc Sủng đã tự đi lại được dù còn hơi yếu và vẫn phải chống gậy. Sau đó, dù không còn thường xuyên phải châm cứu và tập phục hồi chức năng ở bệnh viện nữa nhưng việc tự tập luyện ở nhà đã thành thói quen: mỗi sáng thức dậy ông đều đi bộ 2 km. Việc duy trì thói quen tập luyện cùng với cách sống lành mạnh, say mê lao động trí óc không ngừng nghỉ đã khiến ông có một sức khỏe bình thường, gần như khôi phục mọi chức năng vận động trong suốt 13 năm sau đó.

Ngày 18-8-2012, PGS.TS Phan Quốc Sủng bị tai biến lần hai, ở tuổi 77. Mặc dù chủ trương sống tích cực, lạc quan, năng vận động nhưng do làm việc căng thẳng cùng với những xúc cảm vui buồn lẫn lộn đến cùng lúc là nguyên nhân của lần tai biến này. Ông nhớ lại: “Tôi được phong Phó Giáo sư từ năm 1991. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phong đặc cách giáo sư đối với những nhà khoa học có thành tích nổi trội; tất cả những thành tích đó đều phải thống kê chi tiết. Tôi tìm lại tất cả những tài liệu, tập hợp lại, đánh máy trong mấy ngày mới xong. Làm việc căng thẳng suốt mấy ngày nhưng khi gửi hồ sơ ra thì quá hạn. Cùng lúc, tôi lại nhận được tin Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho mình. Tâm trạng buồn, vui lẫn lộn và mệt mỏi, căng thẳng khiến tôi bị tai biến lần hai”. Mặc dù được cấp cứu, chữa trị kịp thời, về nhà vẫn chăm chỉ uống thuốc và tập luyện đều đặn nhưng do tuổi cao, sức yếu nên chức năng vận động của ông phục hồi chậm hơn. Dù vậy, mặc dù hiện giờ đi đứng khó khăn nhưng ông vẫn kiên trì tập luyện, ngoài đi bộ, mỗi sáng ông vẫn tự xách nước tưới cây; cố gắng ngủ đủ 8-9 giờ/ngày; ăn uống hợp lý hơn, tăng cường rau củ, hoa quả, ăn ít chất bột.

Vẫn say mê lao động

Sau những lần tai biến, sức khỏe có phần kém hơn nhưng sức lao động của PGS.TS Phan Quốc Sủng thì rất đáng nể. Ông bảo, làm việc, nghiên cứu khoa học  cũng là một cách rèn luyện để giữ cho đầu óc minh mẫn, mang lại sự cân bằng cho trạng thái tinh thần. Chỉ hai năm sau lần tai biến đầu tiên, dù còn phải chống gậy leo đồi, ông đã đi đến các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa điều tra, thu thập mẫu vật để nghiên cứu hiện tượng cây cà phê chè bị bệnh vàng lá, khô cành. Bốn năm sau, ông ra tận Điện Biên để nghiệm thu một đề tài nghiên cứu về cà phê, đi bộ lên đồi A1 không cần chống gậy. Ông cũng xuất bản 4 cuốn sách sổ tay kỹ thuật, viết 30 bài báo về kỹ thuật canh tác cà phê, tham gia phản biện 3 luận án tiến sĩ, tham dự các buổi hội thảo và tập huấn kỹ thuật cho hàng nghìn nông dân ở Tây Nguyên. Bị tai biến và nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia với vai trò là Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Dak Lak suốt 12 năm và 5 năm làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Trường Sơn.

Ít ai biết rằng, không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phan Quốc Sủng còn làm thơ. Những kỷ niệm, cảm xúc vui buồn, rung động trước con người, cảnh vật hay những chiêm nghiệm về cuộc đời đều được ông ghi lại bằng thơ. Chẳng thể nào hình dung được rằng nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cà phê lại có thể thả hồn mình đắm say với biển như thế này: “Làn gió nào mơn man trước bờ biển Đông/Thả nhẹ hồn ta chạy dài theo bãi bờ cát trắng/Mong cho đêm dài, biển không bờ không bến/Để được hòa hồn mình trong sóng vỗ đại dương”. Đặc biệt, thơ ông cũng phản ánh những suy nghĩ rất lạc quan của ông trong cuộc sống, tràn đầy tình yêu đời và yêu người. Cứ thế, đến nay ông đã xuất bản 3 tập thơ, và rất nhiều trong ấy là những bài thơ tình…

Từ sau đợt tai biến lần hai đến nay, ngoài việc duy trì tập luyện, PGS.TS Phan Quốc Sủng vẫn tự rèn luyện trí óc bằng cách đọc sách, viết một số tài liệu về dòng họ. Ông bảo, nếu có yêu cầu, ông vẫn viết những bài báo về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cà phê, chống sâu bệnh hại. Và tất nhiên là ông vẫn tiếp tục làm thơ, như một cách ghi lại những cảm xúc của mình về cuộc đời và con người. Ông khẳng định một cách đầy tự tin: Với việc chăm chỉ uống thuốc và kiên trì tập luyện như thế này, chỉ hai năm sau là ông sẽ phục hồi sức khỏe như cũ, sẽ lại tiếp tục với công việc nghiên cứu khoa học đầy say mê và gắn bó cả cuộc đời. Tự tin – đúng như những gì ông đã viết trong thơ: “Bách niên giai lão người ơi/Do ta định đoạt, đâu trời gán cho”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc