Multimedia Đọc Báo in

Liệu pháp cho bài toán bảo hiểm y tế toàn dân

21:38, 13/07/2013

Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác bảo hiểm y tế (BHYT) tổ chức vào tháng 4 vừa qua, tính đến ngày 31-12-2012, Dak Lak đã phát hành 1.238.935 thẻ BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt khoảng 68% dân số hiện có của tỉnh. Trong năm đã có 2.404.651 lượt người khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh, tăng 113.187 lượt, với tổng chi phí 374,3 tỷ đồng, tăng 80,3 tỷ đồng so với năm 2011. Thanh toán trực tiếp cho khám chữa bệnh tự chọn và nguyên nhân khách quan chưa được hưởng tại bệnh viện là 590 lượt với chi phí 565 triệu đồng. Thanh toán đa tuyến ngoại tỉnh là 55.163 lượt với chi phí 90,7 tỷ đồng. Chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học là 5,8 tỷ đồng.

Các  bệnh nhân khám  chữa bệnh theo  diện BHYT đang chờ nhận thuốc tại  Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh:  Hoàng Gia
Các bệnh nhân khám chữa bệnh theo diện BHYT đang chờ nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Hoàng Gia

Thực tế cho thấy người tham gia BHYT khi chuyển lên tuyến trên được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao với khoản thanh toán chi phí khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn người tham gia BHYT thuộc những đối tượng quy định bắt buộc, người dân ở thành thị, những người thường xuyên đau ốm và các nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí như: đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi và người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT... Còn tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện ở các đối tượng khác thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp. Vậy nguyên nhân vì sao người dân vùng nông thôn chưa quan tâm đến vấn đề này?

Qua các đợt tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với cử tri  4 xã cánh Đông huyện Krông bông (Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao), người dân có chung một nhận định: Dak Lak là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có những nơi cách xa trung tâm huyện 30km. Để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh thì nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thường là ở trạm y tế tuyến cơ sở; nhưng thực tế khi đến khám chữa bệnh tại đây, người bệnh chỉ được giải quyết trong những ngày, giờ hành chính (ngoại trừ cấp cứu hoặc chuyển lên tuyến trên). Như vậy mỗi năm người dân chỉ được sử dụng thẻ BHYT 261/365 ngày, nếu bị đau ốm rơi vào 104 ngày nghỉ cuối tuần thì vẫn phải tự tìm đến cơ sở y tế tư nhân. Điều đáng nói, khi đến khám chữa bệnh nơi đăng ký ban đầu thì bệnh nhân chủ yếu được cấp một số loại thuốc thông thường theo danh mục để điều trị ngoại trú; mọi nhu cầu dịch vụ khác đều phải thanh toán trực tiếp bằng tiền với mức giá cả tương đương ngoài y tế tư nhân. Bên cạnh đó, do tâm lý của người dân khi ốm đau chỉ muốn được nhanh chóng điều trị khỏi bệnh, không phải qua các thủ tục hành chính rườm rà, thế nên họ chấp nhận lựa chọn đến với cơ sở y tế tư nhân để được phục vụ tốt hơn. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, thái độ phục vụ cũng như việc phải đóng viện phí khi nhập viện (không phân biệt người có BHYT hay không có BHYT) đã tác động không nhỏ đến việc vận động người dân nông thôn tham gia BHYT.

Thiết nghĩ, ngoài những giải pháp truyền thống như đẩy mạnh công tác  tuyên truyền vận động, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện y đức… thì cần có cơ chế chính sách mở theo hướng có lợi cho người bệnh, rút ngắn tỷ lệ cùng chi trả nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Đồng thời, sớm điều chỉnh danh mục thuốc, mua sắm một số thiết bị kỹ thuật để giải quyết những kỹ thuật đơn giản ngay tại tuyến cơ sở. Mặt khác bản thân người làm công tác y tế ở cơ sở phải tự đổi mới mình, có kế hoạch  làm việc khoa học, không nên để “căn bệnh hành chính hóa” chi phối, thường xuyên phân công người trực giải quyết tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân…

Mai Viết Tăng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.