Multimedia Đọc Báo in

Thảo thơm những tấm lòng sẻ chia cùng sĩ tử

23:23, 03/07/2013

Làm sao có được nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại trong những ngày diễn ra kỳ thi là nỗi lo lắng chung của thí sinh và người nhà khi chân ướt, chân ráo từ các huyện hay từ các tỉnh xa về TP. Buôn Ma Thuột dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên. Đối với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗi lo lắng này càng lớn hơn khi “lộ phí” đi thi chỉ là những khoản tiền vay mượn ít ỏi. Đáng quý thay, nơi thành phố xa lạ, họ đã nhận được sự sẻ chia từ những tấm lòng thảo thơm…

Nhiều chủ nhà trọ đã hạ giá hoặc miễn phí và tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ cho thí sinh
Nhiều chủ nhà trọ đã hạ giá hoặc miễn phí và tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ cho thí sinh

Lần đầu tiên đưa con đi thi đại học, chị Lê Thị Thơ (Đức Trọng, Lâm Đồng) vô cùng lo lắng. “Lộ phí” đưa con đi thi chỉ là chút tiền ít ỏi từ việc làm thuê làm mướn, chị Thơm cứ băn khoăn chẳng biết có đủ trang trải trong suốt 10 ngày con dự thi tại TP. Buôn Ma Thuột hay không, nhất là trong thời buổi mọi thứ đều đắt đỏ như hiện nay. May mắn thay, ngày 1-7, vừa xuống xe ở Bến xe Dak Lak, chị đã được sinh viên tình nguyện đưa về điểm thi tại Trường THPT Hồng Đức và được giới thiệu đến điểm trọ miễn phí tại quán Cà phê Forget-me-not chỉ cách đó vài bước chân. Đến nơi, thấy nhà trọ đẹp, khang trang quá, chị Thơm lại sợ bởi “nhà đẹp thế, làm gì mà họ cho ở miễn phí, có khi lại lấy giá cao thì tiền đâu mà trả”. Nhưng sự nhiệt tình của vợ chồng anh Thế Hòa, chủ quán Forget-me-not đã làm tan biến nỗi lo lắng ấy của mẹ con chị. Suốt 3 ngày ở đây, mẹ con chị và rất nhiều thí sinh khác đã được chủ trọ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc ăn ở. Chị cảm kích: “Khi chúng tôi đến, chị chủ đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Con gái thì được bố trí ở trong phòng yên tĩnh, có máy điều hòa. Không chỉ cho ở miễn phí, vợ chồng anh chị chủ còn hỗ trợ mỗi người 20.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, mỗi phụ huynh bỏ ra thêm 10.000 đồng nữa cùng góp lại tổ chức đi chợ, nấu ăn chung vừa vui vừa bảo đảm vệ sinh. Mọi vật dụng trong nhà, anh chị đều để cho chúng tôi sử dụng, từ bếp núc, gạo nước cho đến máy giặt, máy điều hòa. Ngày nào, anh hoặc chị chủ trọ cũng lên hỏi xem chúng tôi ở có thoải mái không, ăn có ngon không, các cháu có học ôn bài được không, thậm chí nếu không thấy mở điều hòa, anh chị còn bắt chúng tôi bật lên để các cháu mát mẻ, thoải mái. Mấy ngày nữa, đến đợt thi thứ 2, con gái tôi và một số thí sinh khác dự thi ở điểm Trường THPT Chu Văn An, anh chị chủ trọ còn hứa sẽ đưa đón các cháu đi thi hằng ngày nữa. Thật tình, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình đưa con đi thi mà gặp được người tốt như thế, được tạo điều kiện thuận lợi đến thế này”.

Tại nhà trọ miễn phí của quán cà phê, các phụ huynh được chủ nhà trọ hỗ trợ thêm tiền và tổ chức góp tiền nấu ăn cho các thí sinh
Tại nhà trọ miễn phí của quán cà phê Forget-me-not, chủ quán hỗ trợ thêm tiền, các phụ huynh tổ chức góp tiền nấu ăn chung cho các thí sinh

Cùng ở tại điểm trọ này, ngoài mẹ con chị Thơm còn có gần 50 thí sinh và người nhà khác. Ai cũng có một sự cảm kích giống chị Thơm. Hỏi ra mới biết, nhà anh Thế Hòa, chủ quán Forget-me-not, đã trở thành điểm trọ miễn phí cho các thí sinh dự thi đại học suốt 4 năm nay. Cứ mỗi mùa thi đến, vợ chồng anh lại chuyển xuống ở trong căn phòng pha chế chật hẹp của quán cà phê và để dành nguyên tầng hai với mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh và người nhà. Anh bảo, việc chia sẻ với sĩ tử như vậy chỉ đơn giản là sự thôi thúc từ trong tim muốn làm một việc tốt gì đó cho xã hội và anh thật may mắn vì có điều kiện để làm được điều đó.

Còn nhiều nữa những chủ trọ có tấm lòng thơm thảo như thế, như cô Thành ở đường Lý Thường Kiệt, dù nhà ở không mấy rộng rãi nhưng cũng nhận thí sinh đến ở miễn phí suốt 3 năm qua; gia đình chị Nguyễn Thị Nhiễu ở đường Trần Quý Cáp đã chủ động liên hệ với sinh viên tình nguyện để nhận thí sinh ở miễn phí... Hoặc nhiều chủ trọ đã giảm giá xuống mức giá rất “mềm”, chỉ từ 15.000-30.000 đồng/người/ngày. Hồ Danh, thành viên nhóm xe thồ thuộc đội tiếp sức mùa thi cho biết, tất cả những nhà trọ mà Danh đưa thí sinh và phụ huynh đến ở đều nhận được thái độ đón tiếp chân thành, vui vẻ. Ngay khi thí sinh và phụ huynh đến, các chủ hộ đều nhanh chóng thu xếp chỗ nghỉ ngơi, tắm giặt thuận tiện. Nhiều phụ huynh lỉnh kỉnh hành lý vì mang cả gạo, thức ăn từ nhà đi vẫn được các chủ nhà trọ tạo điều kiện để tự nấu ăn ngay tại điểm trọ.

Nhóm PV 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.