Trẻ em ở huyện Krông Bông đang thiếu sân chơi
Từ nhiều năm nay, tại huyện Krông Bông, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn khi tình trạng ngày càng nhiều trẻ em chọn các trò chơi điện tử trực tuyến có yếu tố bạo lực để giải trí thay vì tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích khác. Thiếu sân chơi cho trẻ vẫn đang là bài toán nan giải cả ở vùng nông thôn và thị trấn, nhất là vào dịp nghỉ hè.
Điểm vui chơi tại Trường Mẫu giáo mầm non Krông Bông. |
Toàn huyện hiện có 2 điểm vui chơi cho trẻ em với hình thức xã hội hóa (do tư nhân đầu tư): một điểm tại sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Đức Thịnh (tổ dân phố 8, thị trấn Krông Kmar), một điểm khác tại tổ dân phố 5 (thị trấn Krông Kmar). Tuy nhiên 2 điểm này có quy mô nhỏ, chỉ có một số trò chơi cho trẻ em như: tàu lượn, nhà banh, xích đu ngựa; riêng điểm vui chơi tại tổ dân phố 5, do nằm khuất sâu nên không thu hút nhiều trẻ em đến chơi. Ngoài ra toàn huyện có 7 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, nhưng các sân này hầu hết dành cho thanh niên và người lớn thuê đá theo giờ.
Tại các xã, thị trấn điểm vui chơi cho trẻ chủ yếu tập trung ở các nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn; nhưng vì đây không phải là sân chơi chuyên biệt dành riêng cho trẻ nên các em cũng không được sử dụng vui chơi thường xuyên, thậm chí nhiều thôn còn chưa có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Toàn huyện hiện có hơn 80 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn, buôn; trong đó một số nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng không có diện tích đất để làm sân chơi thể thao; một số nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho các lớp mẫu giáo mượn vì thiếu phòng học…
Theo đánh giá của các ngành chức năng, thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em trước hết là do điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn; công tác quy hoạch sân chơi và các điểm vui chơi dành cho trẻ còn chậm và thiếu; trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa tính đến điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Nguyên nhân nữa là do kinh phí đầu tư cho công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít, thậm chí là không có so với nhu cầu; chưa có quy định cụ thể về việc phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em ở cấp xã, thôn, buôn nên các cơ sở vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em không được đầu tư…
Cũng từ việc thiếu sân chơi cho trẻ, nhiều em nhỏ sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn không được bố mẹ quan tâm đến nhu cầu vui chơi, giải trí đã dẫn đến không ít tai nạn thương tâm xảy ra như: trẻ em bị đuối nước, bị tai nạn thương tích vào mỗi dịp hè luôn ở mức cao. Riêng trong năm 2012 và đầu năm 2013 trên địa bàn huyện có 4 trẻ (tại hai xã: Hòa Lễ và Hòa Phong) bị đuối nước.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em. Song với tình trạng thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế, chính sách để xây dựng, quản lý các khu vui chơi thì mục tiêu này khó đạt được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.
Thanh Hòa
Ý kiến bạn đọc