Multimedia Đọc Báo in

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể: Vấn đề rất đáng lo ngại

10:17, 26/08/2013

Kỳ II:  “Siết” chất lượng các bếp ăn tập thể

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm do không bảo đảm VSATTP tại các Bếp ăn tập thể (BATT) trên địa bàn, công tác thanh tra, kiểm tra được xem là yếu tố then chốt, vừa kịp thời uốn nắn các sai phạm, vừa cung cấp thông tin để các cơ sở thực hành đúng quy định về VSATTP.

Nhiều biện pháp mạnh trong xử lý sai phạm

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), số người mắc ngộ độc thực phẩm tại các BATT ở các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nơi ăn uống tập trung đông người so với tổng số mắc ngộ độc thực phẩm hằng năm vẫn cao. Cụ thể, năm 2011 là 2.656 người/tổng số 4.700 người bị ngộ độc thực phẩm, chiếm 56,5%; năm 2012 là 2.491 người/3.663 người, chiếm 68%. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm từ BATT là do điều kiện cơ sở chế biến thực phẩm thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP, không có đủ phương tiện, dụng cụ bảo đảm ATTP để vận chuyển, bảo quản thực phẩm đã chế biến cung cấp cho người sử dụng; các chủ cơ sở không chú trọng đến việc cung cấp bữa ăn an toàn hoặc không chấp hành đúng quy định về bảo đảm ATTP trong khâu vệ sinh, chế biến, lựa chọn nguyên liệu thực phẩm. Chính vì vậy, BATT là đối tượng cần được tăng cường kiểm tra và giám sát sâu. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Y Kim Ly Niê, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: “Trong cuộc họp triển khai Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm 2013 vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã lưu ý quá trình thanh tra, kiểm tra cần phải “mạnh tay” để răn đe các cơ sở vi phạm. Bởi hiện nay, Nghị định 91 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP quy định rất chi tiết về các khung hình phạt. Đơn cử một hành vi nhỏ nhất như nhân viên không đeo găng tay, khẩu trang, đội mũ hoặc thiếu một trong 3 thứ này cũng bị xử phạt”.

Cũng có chung quan điểm này, bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho rằng: “Đối với các cơ sở chưa chấp hành tốt về ATVSTP thì các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh đã cơ cấu đủ mạnh, đủ chức năng, quyền hạn để có thể thực hiện ngay các biện pháp xử phạt về hành chính. Trước đây, mức phạt tối đa cho các hành vi vi phạm về ATTP là 15 triệu đồng, nhưng hiện nay, theo Nghị định 91 đã tăng lên tới 100 triệu đồng và mỗi hành vi sai trái nhỏ đều được tổng hợp thành tổng vi phạm. Do vậy, có thể khẳng định, ngoài hình thức cảnh cáo thì hình thức phạt tiền cũng đủ sức để răn đe các đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP. Ngoài ra, một biện pháp, hình thức xử lý bổ sung sẽ được tiến hành đối với các cơ sở vi phạm về ATTP là thu hồi các giấy tờ liên quan đến hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp như tạm giữ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Mặc dù được gọi là hình thức xử phạt bổ sung nhưng đối với một cơ sở việc bị tạm ngừng sản xuất, thu hồi giấy phép sẽ là hình thức nặng hơn so với phạt tiền. Nếu trong thời gian sau đó, đơn vị, doanh nghiệp giải trình, khắc phục đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, còn ngược lại thì sẽ ra quyết định thu hồi”.

Sàn nhà bếp của nhà hàng Mộc lênh láng nước, trang thiết bị bố trí  không phù hợp.
Sàn nhà bếp của nhà hàng Mộc lênh láng nước, trang thiết bị bố trí không phù hợp.

Trên thực tế, kết quả kiểm tra của 4 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh về VSATTP tại 45 nhà hàng, khách sạn, căng tin trường học, bệnh viện mới đây đã phát hiện 30 cơ sở có hành vi vi phạm bị xử lý (chiếm 66,7%), trong đó khoảng 33% cơ sở có vi phạm rất đáng lo ngại. Ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, 13 cơ sở có vi phạm nghiêm trọng đã bị xử phạt hành chính với số tiền 31,5 triệu đồng và bị tạm giữ giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 7 cơ sở được giao về cho địa phương xử lý, 10 cơ sở còn lại sẽ tiếp tục xử lý, kết quả kiểm tra, giám sát trên đây là một trong những động thái tích cực nhằm siết chặt hơn chất lượng VSATTP của các BATT trên địa bàn.

Lồng ghép kiểm tra với tuyên truyền, hướng dẫn

Có thể thấy, các BATT phục vụ nhiều người nên thường mua thực phẩm với số lượng lớn và phải thu gom từ nhiều nguồn khác nhau. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các BATT, bên cạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, một hoạt động chính nữa được ngành chức năng triển khai là đẩy mạnh truyền thông giáo dục. Trên thực tế, công tác truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các BATT thực hành đúng các quy định về VSATTP, vì thế nó trở thành hoạt động được tổ chức thường xuyên, liên tục, không chỉ thực hiện riêng lẻ mà còn lồng ghép cả trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Theo bác sĩ Y Kim Ly Niê: “Trong mỗi đợt kiểm tra, giám sát, ngoài việc xem xét xử lý các sai phạm, Đoàn thanh tra, kiểm tra còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho những người quản lý và trực tiếp sản xuất thực phẩm tại các BATT để họ nhận thức được vị trí, vai trò trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thức ăn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Thanh tra, kiểm tra không có nghĩa là chỉ chăm chăm “vạch lá tìm sâu” để xử lý sai phạm mà quan trọng là phải kết hợp giữa kiểm tra với tuyên truyền, chỉ ra cái sai của cơ sở thì đồng thời cũng phải hướng dẫn biện pháp khắc phục để họ chấp hành đúng”.

Phải khẳng định rằng, đẩy mạnh và thực hiện tốt các hoạt động truyền thông cũng đồng nghĩa là ngày càng có nhiều cơ sở thực hành tốt các quy định VSATTP. Song để truyền thông đạt được hiệu quả thì cần phải có cách làm đúng. Bác sĩ Bùi Quang Lộc cho biết: “Thực ra, để việc truyền thông không là khẩu hiệu phải huy động nhiều kênh, bởi mỗi đối tượng sẽ tiếp cận thông tin qua các kênh khác nhau, có thể là truyền thông trực tiếp qua thanh tra, kiểm tra, truyền thông trên đài, báo, hay những kênh thông tin khác… Hiện nay, một kênh quan trọng, trực tiếp đang được chúng tôi triển khai là tập huấn về VSATTP cho các đối tượng trực tiếp tham gia cũng như chủ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Theo tôi, đây là kênh lớn nhất, sâu nhất và tạo được hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang có chương trình phổ biến quy phạm pháp luật đến với các đối tượng là cán bộ quản lý, người tiêu dùng để họ nâng cao trách nhiệm với vấn đề VSATTP. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng hiểu và sử dụng đúng thực phẩm bảo đảm VSATTP, tẩy chay thực phẩm “bẩn” thì dần dần các loại thực phẩm kém chất lượng sẽ bị đào thải...”.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.