Multimedia Đọc Báo in

Người đàn ông biết đứng lên sau vấp ngã

03:42, 02/09/2013

Đó là cách nói của một số hộ dân ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) khi nhắc đến anh Nguyễn Xuân Tiểu ở thôn Hiệp Hòa. Không chỉ cai nghiện được ma túy mà anh còn trở thành người làm kinh tế giỏi ở địa phương, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.           

Anh Nguyễn Xuân Tiểu cho cá ăn.
Anh Nguyễn Xuân Tiểu cho cá ăn.

Những năm trước đây, do thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy và bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, anh Nguyễn Xuân Tiểu đã bị cuốn vào “nàng tiên nâu”. Do vậy tài sản trong gia đình anh cũng lần lượt đội nón ra đi. Đến lúc hết tiền không có thuốc hút anh mới nhận thấy được tác hại, hậu quả của ma túy gây ra và cương quyết từ bỏ ma túy bằng cách tự cai tại nhà; thế nhưng sau nhiều lần cố gắng cắt cơn anh vẫn cai nghiện không thành. Năm 2004 được sự động viên của vợ con, gia đình và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, anh Tiểu đã vào Trung tâm để cai nghiện. Nhờ sự quyết tâm cao của bản thân, chỉ sau một năm anh Nguyễn Xuân Tiểu đã cai nghiện thành công và trở về địa phương. Khi trở về anh kiên quyết đoạn tuyệt với ma túy bằng cách tích cực tham gia lao động sản xuất, chính nhờ vậy anh không những không bị tái nghiện mà còn trở thành gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Với 2.000 m2 mặt nước bỏ hoang của gia đình, anh Tiểu đã đưa các loại cá như: trắm, mè, rô phi… vào thả; đồng thời tận dụng bờ ao để trồng hoa huệ nhằm tăng thu nhập. Nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng, vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngay trong vụ đầu tiên gia đình anh đã thu được 1,5 tấn cá các loại; với giá bán lúc bấy giờ là 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi 26 triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi cá chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao và không mất nhiều thời gian chăm sóc, anh Tiểu đã bàn bạc với vợ đầu tư mở rộng diện tích ao lên 3.000 m2. Năm 2011, được Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp của gia đình, anh đã mở rộng diện tích ao lên 7.000 m2 và diện tích trồng hoa huệ lên 3.000 m2. Với mô hình này, cuối năm anh Tiểu thu được 50 triệu đồng từ hoa huệ và hơn 100 triệu đồng từ mô hình nuôi cá. Sau đó gia đình anh Tiểu đã tích cóp mua thêm được 10.000 m2 đất trồng thêm 500 cây cà phê và 500 trụ tiêu, đến nay cây cà phê và hồ tiêu đã bước vào năm thứ hai. Anh Tiểu chia sẻ: “Trước đây tôi nghĩ bản thân mình sau khi cai nghiện về sẽ không thể hòa nhập với cộng đồng và phát triển kinh tế được như hiện nay. Tuy nhiên với sự kiên trì, quyết tâm của bản thân và sự động viên, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng thì không việc gì là không thể…”.

Vừa qua anh Nguyễn Xuân Tiểu đã vinh dự là một trong những cá nhân được tuyên dương, khen thưởng trong hội nghị điển hình về cai nghiện ma túy và công tác vận động, giúp đỡ sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng do Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) tổ chức.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.