Multimedia Đọc Báo in

Ngày Pháp luật - Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội

15:19, 04/11/2013

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11) năm 2013 trên địa bàn tỉnh được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 4 đến ngày 10-11-2013 với nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng. Khẳng định ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến với người dân,  đồng chí Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh đã dành cho Báo Dak Lak một cuộc phỏng vấn.

Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các dự án phát triển nông lâm nghiệp huyện Ea Súp.
Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các dự án phát triển nông lâm nghiệp huyện Ea Súp.

*Năm 2013 là năm đầu tiên nước ta chính thức thực hiện Ngày Pháp luật thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa cũng như việc triển khai tổ chức Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh? 

- Như chúng ta biết, Pháp luật là một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi Nhà nước, mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, pháp luật là phương tiện để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội. Một xã hội thực sự phát triển là một xã hội mà pháp luật được tôn trọng, đề cao và nghiêm chỉnh thi hành. Tại Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 đã lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta…

Nhận thức được ý nghĩa của việc tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm tổ chức các nội dung liên quan đến Ngày Pháp luật trong tuần lễ từ ngày 4-11 đến ngày  10-11-2013 với các nội dung chính như: Tổ chức Hội nghị công bố “Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ” và phổ biến, quán triệt các điều Luật mới được thông qua; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Dak Lak, Đài Truyền thanh cấp huyện, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, trang tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, địa phương tăng thời lượng, xây dựng các chương trình tuyên truyền, cổ động, đưa tin, bài về Ngày Pháp luật... Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, các các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể tổ chức Ngày Pháp luật bằng các hình thức khác như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật; kiểm tra, đánh giá, sơ kết tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”,...

*Được biết trong thời gian qua, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện. Đồng chí đánh giá thế nào về hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?

- Trước hết có thể khẳng định rằng công tác tuyên truyền, PBGDPL là một hoạt động quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những kênh thông tin hiệu quả để đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đến với nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, ổn định chính trị, phát triển kinh tế địa phương. Dak Lak là một tỉnh có tới 44 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều thôn, buôn đặc biệt khó khăn… nên công tác này càng có ý nghĩa hơn.

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo và duy trì thường xuyên nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật có nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường ngày của người dân được ngành Tư pháp in ấn và phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi năm, trong đó nhiều tài liệu đã được dịch sang tiếng Êđê, M’nông… để người dân có điều kiện tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn cuốn tài liệu, đề cương, chuyên đề, sổ tay và các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật khác được xây dựng theo kế hoạch hằng năm và cấp phát miễn phí đến tận cơ sở được đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đón nhận.

Toàn tỉnh hiện có 85  báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 154/184 xã, phường, thị trấn có tuyên truyền viên pháp luật… Đội ngũ người làm công tác PBGDPL đã tạo thành mạng lưới rộng khắp ở tất cả các cơ quan, đơn vị, đến từng xã, thôn, buôn. Bên cạnh đó là đội ngũ hơn 100 cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở và 12.777 thành viên của 2.437 tổ hòa giải đang hằng ngày, hằng giờ đưa pháp luật đến với người dân ngay tại địa bàn, kịp thời đáp ứng các yêu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Mỗi năm các tổ hòa giải thụ lý khoảng 3.000 vụ việc và có khoảng 70% các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết, chủ yếu về các lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình… Theo tôi, đây cũng là một kênh rất hiệu quả để các quy định của pháp luật được lan truyền trong đông đảo nhân dân. Cùng với công tác hòa giải, công tác trợ giúp pháp lý cũng được tăng cường để chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân, có tính thiết thực cao vì thông qua việc tham gia tố tụng, đại diện, tư vấn, hòa giải cho đối tượng, đã trực tiếp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần làm lành mạnh môi trường pháp lý xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

*Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn Dak Lak vẫn còn những khó khăn hạn chế nhất định. Theo đồng chí thì đâu là nguyên nhân, và những giải pháp cơ bản nào để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới? 

- Dak Lak đang còn là tỉnh còn nghèo, ngân sách còn gặp khó khăn do đó kinh phí cho cho công tác PBGDPL còn hạn chế. Mặt khác hiện vẫn chưa có cơ chế, giải pháp cụ thể, rõ ràng để huy động các nguồn lực cho việc xã hội hóa hoạt động PBGDPL nên đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp ở cấp huyện, Công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã biên chế ít, trình độ còn nhiều hạn chế trong khi đó phải đảm nhiệm quá nhiều công việc nên không có nhiều điều kiện tập trung cho công tác PBGDPL.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới, theo tôi, cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, PBGDPL với phương châm hướng về cơ sở, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL. Trong quá trình phối hợp phải xác định rõ nội dung, chương trình PBGDPL trong từng giai đoạn phù hợp với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, địa phương, để từ đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các lĩnh vực pháp luật quan trọng như: An toàn giao thông, đất đai, khiếu nại, tố cáo, tài nguyên và môi trường, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng, bạo lực gia đình... Chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các mô hình, biện pháp PBGDPL mới, phù hợp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ giáo viên cán bộ giảng dạy môn pháp luật trong tất cả các cấp học…

*Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Cường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc