Multimedia Đọc Báo in

Nghi vấn về việc “cậu Thủy” tìm được 73 bộ hài cốt liệt sỹ ở Ea H’leo: “Nếu sự thật không phải là hài cốt liệt sỹ thì sẽ rất đau lòng”

15:21, 04/11/2013

Thông tin “cậu Thủy” (tức Nguyễn Thanh Thúy) bị Công an tỉnh Quảng Trị  bắt do nghi ngờ làm giả hài cốt liệt sỹ đã khiến cho chính quyền và người dân Dak Lak hết sức bàng hoàng. Bởi cách đây không lâu, “cậu Thủy”dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tìm ra ít nhất 73 hài cốt “liệt sỹ”trên địa bàn huyện Ea H’leo…

Cuộc tìm kiếm “thần tốc”

Cuối năm 2011, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (CSXHVN) đã nhờ “cậu Thủy” (tức Nguyễn Thanh Thúy) tìm được hài cốt cha mình là liệt sỹ Dương Văn Mừng tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Từ việc này, với tinh thần “phát tâm” Ngân hàng CSXHVN đề nghị giúp đỡ tỉnh tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sỹ (là đồng đội của ông Mừng) hy sinh tại xã Ea H’leo. Việc tìm kiếm được Ngân hàng CSXHVN lên kế hoạch một cách chi tiết, đồng thời khẳng định sẽ chịu hoàn toàn chi phí, chỉ cần tỉnh hỗ trợ giúp đỡ. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: “Do họ tìm kiếm dựa trên thông tin đồng đội phối hợp với nhà ngoại cảm nên tỉnh đã đồng ý để họ tiến hành. Theo đó, phía Ngân hàng đã mời “cậu Thủy” vào để tiến hành tìm kiếm mộ liệt sỹ”.

Việc cất bốc đều được tiến hành vào ban đêm.
Việc cất bốc đều được tiến hành vào ban đêm.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong hai đợt quy tập mộ liệt sỹ (6 ngày, do Ngân hàng CSXHVN phối hợp nhờ “cậu Thủy”) đã cất bốc được 73 hài cốt. Tất cả các hài cốt nằm rải rác từ km 106-108 QL 14 (thuộc xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo). Trong 18 điểm được “cậu Thủy” chỉ định thì có 3 điểm chỉ có 1 hài cốt, còn lại là các điểm chôn tập thể. Cụ thể, đợt quy tập lần thứ nhất (từ 29 đến 31-12-2012) đã tìm thấy 31 hài cốt và đợt 2 (từ ngày 6 đến 8-3-2013) quy tập được thêm 42 hài cốt. Tại các điểm quy tập đều có mảnh xương sọ, xương cục, mảnh xương ống tay, ống chân (trong đó có một số xương ống chân dài từ 12-20cm), một số trường hợp xương hàm còn dính răng; một số hố chôn có rễ cây ăn sâu vào. Đặc biệt một số di vật tìm thấy trùng khớp với thông tin mà thân nhân liệt sĩ cung cấp. Ngoài ra, trong các đợt quy tập này cũng tìm thấy được nhiều di vật như bình tông, nắp ăng-gô, dép cao su, ngôi sao vàng, huy hiệu, dao nhíp và cúc áo. Một số di vật có ghi thông tin liệt sỹ . Trong 73 hài cốt tìm thấy có 10 bộ xác định được đầy đủ thông tin, 5 hài cốt có tên được ghi trên di vật… Hiện có 3 hài cốt được người thân đưa về quê còn lại đều an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, các di vật cũng được cất giữ tại đây.

Không có thông tin liệt sỹ hy sinh ở đây!?

Theo ông Nguyễn Quang Trường, trong 2 đợt quy tập này có 3 nhân chứng cho rằng đã từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Cụ thể là các ông Nguyễn Văn Toản, nguyên thuộc đơn vị Trung đoàn 9, Sư 320, Quân đoàn 3 (hiện trú Đồng Nai); ông Mai Khắc Dư, nguyên đơn vị tiểu đội 1, Trung đội 3, Đại đội 16, Sư 324 (hiện trú huyện Chư Pah, Gia Lai); và ông Trương Quốc Khởi, đại tá, nguyên Chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc mặt trận B3 Tây Nguyên (hiện trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

Hơn 70 bộ hài cốt được tìm thấy chỉ trong vòng 6 ngày.
Hơn 70 bộ hài cốt được tìm thấy chỉ trong vòng 6 ngày.

Do chủ ý của “cậu Thủy” nên việc cất bốc đều được tiến hành vào ban đêm, từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Cùng với các cơ quan chức năng, việc tìm kiếm này còn có hàng trăm người dân ở xã Ea H’leo chứng kiến. Tuy nhiên, gần như mọi người đều không phát hiện thấy có điều gì nghi ngờ. Tuy nhiên, sau đợt quy tập lần 2, tỉnh đã có văn bản đề nghị giám định AND các bộ hài cốt. Song, Cục Người có công cho rằng do các hài cốt đã được an táng tại Nghĩa trang nên tạm thời chưa tiến hành giám định.

Nghi ngờ có điều “mờ ám” do số hài cốt liệt sỹ mà “cậu Thủy” tìm được ở Ea H’leo quá nhanh và nhiều, ngày 26-4-2013, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Dak Lak đã có công văn gửi Cục Chính trị Quân đoàn 3 đề nghị cung cấp thông tin về các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực cầu 110, Quốc lộ 14, thuộc địa bàn huyện Ea H’leo từ năm 1968 đến năm 1972. Theo phản hồi, Cục Chính trị Quân đoàn 3 khẳng định: Qua nghiên cứu lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3; Biên niên sự kiện 1964-2000 và một số tài liệu khác có liên quan đều không thấy nội dung ghi chép có đơn vị nào và trận đánh nào thuộc Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 ở khu vực cầu 110, huyện Ea H’leo. Trong hồ sơ liệt sỹ của Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 từ năm 1964 đến năm 1975 lưu trữ tại Ban Chính sách, Cục Chính trị không thấy có thông tin về liệt sỹ nào được mai táng tại khu vực cầu 110, huyện Ea H’leo….

Trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak, Đại tá Trịnh Văn Tâm, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Dak Lak nhấn mạnh: “Từ trước đến nay, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoàn toàn dựa trên cơ sở hồ sơ, dữ liệu, chứng cứ khoa học, nhân chứng cụ thể. Các đơn vị quân đội không dựa vào yếu tố tâm linh, hay các “nhà ngoại cảm” để tìm kiếm. Việc tìm thấy 73 hài cốt được cho là liệt sỹ ở huyện Ea H’leo là Ngân hàng CSXHVN chủ trì thực hiện, quân đội hoàn toàn không tham gia vào quá trình cất bốc. Vì vậy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không có cơ sở để khẳng định đó có thật là hài cốt liệt sỹ hay không? Theo tôi trước  mắt các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, tiến hành điều tra, làm rõ để có kết luận chính xác, cụ thể”.

Liên quan đến vụ việc này, bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tỉnh chưa có chỉ đạo cụ thể về việc xử lý các bộ hài cốt được cho là liệt sỹ do “cậu Thủy” tìm kiếm được và hiện an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh sẽ gấp rút tiến hành giám định AND các bộ hài cốt này. “Nếu sự thật đó không phải là hài cốt liệt sỹ thì sẽ rất đau lòng. Tỉnh sẽ phối hợp nhanh chóng làm rõ việc này để trả lại sự trong sạch cho Nghĩa trang. Sau khi sự việc được làm rõ, tỉnh sẽ có thông báo đến toàn dân, đồng thời sẽ có kế hoạch tuyên truyền để mọi người đề phòng trước những hành vi lừa đảo.” - bà Mai Hoan nói.

Việt Cường – Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc