Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”: Khẳng định vai trò, năng lực, vị thế của nữ CNVCLĐ
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, gắn với đặc thù của từng ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nữ CNVCLĐ. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, năng lực, vị thế của nữ CNVCLĐ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả
Toàn tỉnh hiện có trên 53.500 nữ CNVCLĐ, chiếm hơn 45% CNVCLĐ. Thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các Công đoàn trong tỉnh đã cụ thể hóa nhiều nội dung thi đua gắn với đặc thù từng ngành nghề, lĩnh vực công tác. Với nội dung thi đua “Giỏi việc nước”, nữ CNVCLĐ đã tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao thể hiện trên các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý nhà nước, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phong trào thi đua trên được cụ thể hóa thành nội dung thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Theo đó, nữ cán bộ, giáo viên toàn ngành luôn miệt mài với sự nghiệp trồng người, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; thi đua “Dạy tốt, học tốt”, áp dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm vào giảng dạy. Nhờ vậy, số nữ giáo viên dạy giỏi các cấp không ngừng tăng cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Bà Nguyễn Thị Tú Oanh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Để phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Công đoàn ngành Giáo dục thành phố đã lồng ghép vào các phong trào thi đua của ngành, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Qua đó, nhiều chị em đã tự vươn lên, hoàn thiện mình, thi đua dạy tốt, học tốt, làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình”.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nữ CNVCLĐ còn tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội. |
Trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của nữ CNVCLĐ gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Tại các doanh nghiệp, nữ CNVCLĐ luôn năng động, sáng tạo, chịu khó rèn luyện, nâng cao tay nghề, tham gia thi thợ giỏi, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đối với nữ CNVCLĐ ngành Y, các chị đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức theo chuẩn mực “Thầy thuốc như mẹ hiền”, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Với nội dung thi đua “Đảm việc nhà”, nữ CNVCLĐ đã tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Để hài hòa giữa công việc và gia đình, nữ CNVCLĐ đã phát huy bản chất cần cù, đảm đang, khắc phục khó khăn, sắp xếp mọi việc một cách khoa học, hợp lý đề làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ…
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Qua 3 năm (2010-2012) thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, toàn tỉnh đã có 6.928 sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học của chị em được áp dụng vào quá trình công tác, sản xuất, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, đem lại giá trị kinh tế trên 12 tỷ đồng; có 5.012 chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; trên 47.000 nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong 3 năm qua, đã có 2.390 chị được kết nạp Đảng, 3.346 chị được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử vào các chức danh của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nữ CNVCLĐ đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng tổ chức quản lý, năng động, sáng tạo trong các lĩnh vực. 3 năm qua, Công đoàn các cấp đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện cho 9.080 lượt nữ CNVCLĐ được học tập, tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ vậy, chất lượng lao động nữ ngày càng được nâng cao, toàn tỉnh hiện có 263 chị có trình độ thạc sĩ, 31.338 chị có trình độ từ trung cấp đến cao đẳng, đại học. Cán bộ nữ đã phát huy tính năng động, sáng tạo và đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, nữ CNVCLĐ còn tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội như ủng hộ người nghèo, đồng bào bão lụt, giúp đỡ buôn kết nghĩa, đóng góp xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”, quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh khẳng định, cái được lớn nhất là thông qua hoạt động phong trào, trình độ của chị em từng bước được nâng lên cả về nhận thức, chuyên môn, tay nghề, trình độ quản lý và kiến thức xã hội. Phong trào cũng đã tạo động lực để đội ngũ nữ CNVCLĐ khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, sức sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Không những vậy, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã tạo động lực để chị em phấn đấu nuôi dạy con ngoan học giỏi, thành đạt; xây dựng gia đình văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó, khẳng định vai trò, năng lực, vị thế và sự trưởng thành của đội ngũ nữ CNVCLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Cũng theo bà Hạnh, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, tiêu chuẩn thi đua của phong trào cho phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, cơ sở, đồng thời tôn vinh, biểu dương kịp thời tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động.
Có thể nói, qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vai trò của nữ CNVCLĐ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được thể hiện rõ nét và được phát huy mạnh mẽ theo tiêu chí, chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc