Đứng dậy sau vấp ngã
Trong cuộc đời của mỗi con người, không tránh khỏi những lần vấp ngã, nhưng điều quan trọng là bạn đã đứng dậy và bước đi như thế nào!
Bùi Ánh Hồng chia sẻ câu chuyện về quá khứ lỗi lầm. |
Trong số những thanh thiếu niên vấp ngã giờ đã tiến bộ, có lẽ Sơn Lâm (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) là trường hợp đặc biệt hơn cả. Qua lời kể, Sơn Lâm từng có một quá khứ buồn, 19 tuổi đã nghiện ma túy, từng vào tù ra tội vì các tội danh cướp giật, trộm cắp tài sản. Khi ra tù, bước khởi đầu cho cuộc sống mới chỉ là con số không , nhưng Sơn Lâm không nản chí mà chịu khó học hỏi, sáng tạo các mẫu giỏ cắm hoa và tự đi giao bán tại các cửa hàng. Tuy khó khăn nhưng Sơn Lâm quyết không đi vào “con đường cũ” và chấp nhận vất vả cực nhọc để làm lại cuộc sống cho chính mình. Hiện tại, Sơn Lâm đã được Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” để đầu tư nuôi thêm 100 con gà, mua máy làm đá phong thủy và sắp tới anh đang dự định nuôi thêm dúi. Định kiến về một thời lầm lỗi dần được xóa bỏ trong suy nghĩ của những người xung quanh, những khó khăn rồi cũng theo đó qua đi.
Hồ Sỹ Khanh tại buổi gặp mặt. |
Tương tự, câu chuyện về nỗ lực tránh xa “nàng tiên nâu” của thanh niên Bùi Ánh Hồng (SN 1986, trú tại tổ dân phố 12, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cũng khiến nhiều người thực sự ngỡ ngàng. Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, cha mất sớm, mẹ phải tần tảo sớm hôm nuôi các con ăn học, vậy mà Hồng còn theo chúng bạn chơi bời lêu lổng, bỏ học, hút chích ma túy. Để có tiền sử dụng ma túy, Hồng không chỉ trộm tiền, đồ đạc của mẹ đem bán, mà liều lĩnh đi trộm, cướp cùng chúng bạn. Hồng đã từng được mẹ dẫn đi cai nghiện khắp nơi từ TP. Hồ Chí Minh đến Quảng Ngãi, tốn không ít tiền của nhưng chỉ ít ngày sau khi về lại tái nghiện. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, đến nỗi mẹ đã từ mặt Hồng trong một thời gian dài. Trong giây phút ít ỏi tỉnh táo, Hồng vô tình nhìn thấy những giọt nước mắt đau khổ lăn dài trên gò má của mẹ, chợt thấy giận mình. Vì vậy, tháng 8-2010, được chính quyền địa phương vận động, Hồng đã quyết tâm đi cai nghiện. Anh nói: “Thời gian đầu tôi chán nản, hụt hẫng, thấy cuộc đời bế tắc. Nhưng rồi được sự giúp đỡ, động viên của cán bộ ở Trung tâm cai nghiện 05-06 của tỉnh, của người thân, tôi quyết tâm cải tạo, trở thành người có ích”. Quyết tu chí nên sau 6 tháng cai nghiện, Hồng được trở về với gia đình. Anh đã hòa nhập cộng đồng và tìm được một việc làm ổn định. Giờ đây Hồng đang là thành viên nhóm “Ước mơ xanh”, chuyên làm giỏ hoa bán cho các shop trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Tại thôn 1A, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak nhiều người cũng thấy được sự thay đổi đáng mừng của thanh niên Hồ Sỹ Khanh. Sau khi quyết tâm cai nghiện, Sỹ Khanh trở nên bận rộn hơn, hằng ngày chăm sóc 5 sào cà phê, ngày nào rảnh rỗi thì đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc cứ thế cuốn đi và Sỹ Khanh cũng hết sức cố gắng để hoàn thành với mong muốn cuộc sống sung túc, giúp đỡ được gia đình, người thân. Tình yêu thương của gia đình cùng sự quan tâm, giúp đỡ từ các ngành các cấp và bạn bè cùng trang lứa là nguồn động viên lớn để Sỹ Khanh hòa nhập cộng đồng. Hiện tại Sỹ Khanh đã được Hội LHTNVN tỉnh cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho gia đình. Với Y Châu Niê (SN 1992) ở buôn Đing, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cũng vậy. Y Châu từng đi theo bạn bè xấu, thường xuyên tụ tập băng nhóm gây gổ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Sau nhiều lần được công an gọi hỏi, răn đe và giáo dục tại xã, nay đã tu chí làm ăn, được vay vốn mở tiệm sửa xe gắn máy tại địa phương…
Tại buổi giao lưu, gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải chia sẻ: “Vi phạm pháp luật thì phải bị pháp luật trừng trị, đó là điều tất yếu trong bất cứ một xã hội nào, một thời đại nào. Nhưng pháp luật Việt Nam luôn chứa đựng yếu tố khoan hồng cho những người biết ăn năn, hối cải. Cuộc đời không ai là không có sai lầm nhưng phải biết nhận ra để khắc phục, vươn lên bởi giá trị lớn nhất của đời người là biết đứng dậy sau khi vấp ngã…”.
Thay cho lời kết, tôi muốn gửi gắm đến các bạn một câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicôlai Ôxtrôpxki: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình…”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc