Multimedia Đọc Báo in

Tự hào về biển đảo quê hương

13:49, 17/01/2014
Với khoảng không gian hơn 100m2, gần 150 bản đồ và tư liệu được trưng bày tại Bảo tàng Dak Lak lần này là một phần nhỏ trong các bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thu thập từ Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Và chính những tư liệu này đã mang đến cho nhiều người những cảm xúc vừa tự hào, vừa trân trọng khi được hiểu hơn, nhìn rõ hơn về Hoàng Sa, Trường Sa.
Đông đảo du khách tham quan Triển lãm.
Đông đảo du khách tham quan Triển lãm.

Em Nguyễn Thị Ngọc Yến, học sinh Trường PTTH Chuyên Nguyễn Du đã không giấu được niềm tự hào: “Đặt chân vào Triển lãm, ngay ở phần đầu tiên khi được đọc lại những câu nói của vua Lê Thánh Tông với các quan phụ trách biên cương “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”, đã mang lại cho em những xúc cảm thật mãnh liệt về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta. Được tham quan Triển lãm và tận mắt chứng kiến những tài liệu, bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ nước ta, là một học sinh em cảm thấy việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước ta mà đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều vô cùng cần thiết. Bác Hồ có câu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tiếp nối những truyền thống ấy, chúng em, những học sinh tự hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để từ đó góp phần vào công cuộc dựng xây và giữ gìn đất nước”.

Còn em Phạm Thị Đài Trang, học sinh Trường PTTH Buôn Ma Thuột xúc động tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên ở miền cao nguyên đầy nắng và gió; biển đảo là một điều gì rất mơ hồ và xa vời trong em. Và thật xúc động biết bao khi đến với Triển lãm em đã thực sự cảm nhận được những bằng chứng, hiện vật cũng như sự xác lập chủ quyền của cha ông ta lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy chưa một lần đặt chân lên Hoàng Sa, Trường Sa nhưng với những gì cảm nhận được tại Triển lãm đã cho em thêm một niềm tin về chủ quyền của mảnh đất cong cong hình chữ S, một Hoàng Sa và Trường Sa sẽ mãi ở trong tim em và xin tri ân các chiến sĩ đã và đang ở ngoài đảo xa, nơi địa đầu sống dữ đang ngày đêm gìn giữ biển trời Tổ quốc”. Bạn Huỳnh Thị Ngọc Mai, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên thì lại bày tỏ sự cảm phục của mình khi tham quan và tìm hiểu về cuộc sống của Hoàng Sa, Trường Sa thời hiện đại: “Khi được đặt chân vào Triển lãm, được xem các văn bản, bản đồ, hình ảnh tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… trong em đã dậy lên một tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo Việt Nam, yêu con người Việt Nam và đặc biệt là yêu những đứa trẻ có nụ cười ngây thơ trên đảo Sinh Tồn. Sức sống của các em thật mãnh liệt khi giữa vùng biển đảo của quê hương vẫn ánh lên những nụ cười cho ngày mai. Qua đó em thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với những chiến sĩ, người dân và các em nhỏ của biển đảo quê hương”.

Nhiều gia đình cả ba thế hệ đã cùng nhau đến xem Triển lãm.
Nhiều gia đình cả ba thế hệ đã cùng nhau đến xem Triển lãm.

Tại Triển lãm, không chỉ có các bạn trẻ đến tham quan mà nhiều gia đình cả ba thế hệ, cha mẹ, con cái, ông bà cũng cùng nhau vào tham quan, hay những người cao tuổi cũng lặn lội đường xa từ huyện lên với Triển lãm để hiểu hơn về Hoàng Sa, Trường Sa. Bác Ngô Văn Thanh, năm nay đã 78 tuổi, đến từ phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cảm kích: “Tôi vô cùng cảm ơn những họa sĩ các triều đại, các nước Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha và Trung Quốc của những thế kỷ trước đã dày công vẽ nên những bản đồ mà các nhà chức trách thời đó đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Thông qua triển lãm tôi muốn nói lên rằng, ngày nay, các nước, cộng đồng quốc tế và những người có lương tri, hãy ủng hộ công lý và sự thật lịch sử rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Em H’Lisa Êban, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Krông Ana cho biết, em cảm thấy rất tự hào khi được vinh dự được đến tham quan Triển lãm, được hiểu biết hơn về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Em sẽ về kể lại cho các bạn của em ở buôn làng những điều do chính em được mắt thấy, tai nghe về hai quần đảo và chủ quyền của Tổ quốc, và sau cuộc triển lãm này em đã có tự tin để nói với các bạn rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Với những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” đã thực sự mang lại niềm tin cho công chúng, đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển khác trên biển Đông.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc