Huyện Lak: Những nỗ lực trong công tác chăm sóc người tàn tật và trẻ mồ côi
Huyện Lak hiện có 1.410 người tàn tật và trẻ mồ côi (trong đó có 700 người tàn tật và 710 trẻ mồ côi), chiếm 2,3% dân số toàn huyện. Trong đó, hiện có 154 người tàn tật (chiếm 22%) và 48 trẻ mồ côi (chiếm 6,7%) được hưởng trợ cấp thường xuyên; 233 trẻ mồ côi được miễn giảm học phí; 611 đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế…Trong năm 2013, các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, ngành y tế huyện… đã vận động các cá nhân, tập thể tặng quà cho 400 lượt đối tượng tàn tật, mồ côi với tổng giá trị hơn 80 triệu đồng, gồm: 22 xe lăn, xe đạp, 22 suất học bổng; hỗ trợ chăn nuôi và tặng 70 suất quà cho người tàn tật về mắt, trẻ mồ côi… Công tác tuyên truyền về Luật Người khuyết tật, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… cũng được các ban ngành, đoàn thể ở huyện Lak triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi.
Cháu H’Hoa Dakcat (bên phải) rất cần được sự chia sẻ giúp đỡ của mọi người. |
Nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng, nhiều trẻ mồ côi, người tàn tật trên địa bàn huyện Lak đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như cháu Y Du Je ở buôn Đung, xã Dak Phơi có hoàn cảnh rất đáng thương: mồ côi mẹ và bị dị tật mắt bẩm sinh. Mắt kém nên việc sinh hoạt, học tập của cháu rất khó khăn. Những khi học bài, cháu phải áp sát mắt vào sách và đọc từng chữ. Tuy vậy, được sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của các cấp ngành trên địa bàn, Y Du luôn cố gắng học tập và học rất khá. Năm 2013, Y Du được biểu dương là học sinh vượt khó học giỏi tại Đại hội những người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội. Anh Y Jung Bkrông ở buôn Jê Yuk, xã Dak Phơi bị dị tật bẩm sinh, chân tay không vận động được, phải ở cùng với gia đình người em trai nên cuộc sống rất khó khăn. Vừa qua, Y Jung đã được Nhà nước xây tặng một căn nhà tình thương và hỗ trợ một con bò cái để gia đình nuôi. Anh chia sẻ: “Được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, mình vui lắm và sẽ cố gắng vươn lên sống có ích”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chăm sóc người tàn tật và trẻ mồ côi ở huyện Lak vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Phần lớn người tàn tật, trẻ mồ côi có trình độ học vấn thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trên địa bàn huyện hiện có 462 người tàn tật (chiếm 66%) thuộc diện hộ nghèo và đặc biệt khó khăn; số người tàn tật có việc làm ổn định chỉ chiếm khoảng 10% song thu nhập rất thấp; 666 trẻ mồ côi chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trên địa bàn huyện Lak cũng chưa có cơ sở dạy nghề cho người lao động cũng như người tàn tật. Ngoài ra, một số gia đình có người tàn tật hoặc trẻ mồ côi chưa quan tâm đến việc làm hồ sơ để hưởng trợ cấp theo quy định. Trường hợp cháu H’Hoa Dakcat ở buôn Du Măl, xã Dak Phơi là một ví dụ. H’Hoa năm nay 10 tuổi, mồ côi bố và bị bại liệt toàn thân, không vận động, không nghe nói được. Nhưng nhiều năm nay gia đình cháu H’Hoa vẫn chưa làm hồ sơ cho cháu để được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy, đầu năm 2014, cán bộ phụ trách Lao động, Thương binh và Xã hội của xã Dak Phơi phải vận động gia đình cháu H’Hoa và đứng ra làm mọi thủ tục cho cháu.
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc