Multimedia Đọc Báo in

Phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa: Ghi nhận từ thực tiễn

13:56, 19/02/2014

Bằng việc phát huy nội lực, các địa phương đã có nhiều cách làm hay trong thực hiện phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2010  - 2012, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Những điển hình

Cuối năm 2013, người dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) vui mừng đón nhận danh hiệu “Xã đạt tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2010-2012”. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nghị, để có được kết quả này, ngoài sự đồng thuận của hệ thống chính trị thì việc tập hợp, phát huy nội lực và quyền làm chủ của người dân là yếu tố quyết định. Từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện từng tiêu chí của phong trào, xã đều tổ chức họp “trưng cầu dân ý” nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Nhờ vậy, chỉ trong 2 năm 2011-2012, xã đã huy động người dân đóng góp khoảng 1 tỷ đồng, trên 5.100 ngày công lao động, hiến 8.531 m2 đất, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để bê tông hóa 3 km đường giao thông; nâng cấp, tu sửa hơn 30 km đường giao thông thôn xóm; xây dựng 6 hội trường thôn và 3 sân vận động, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh hoạt, hội họp. Không chỉ huy động sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn thành lập đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, đội đua thuyền truyền thống; tổ chức các hội thi sân khấu không chuyên nhằm tuyên truyền pháp luật; vận động đóng góp xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” , tổ chức thăm, tặng quà, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nhằm bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, xã đã thành lập mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và lực lượng dân quân tự vệ ở 7 thôn luân phiên tuần tra nắm tình hình. Với lợi thế của vùng đất trồng lúa, chính quyền địa phương chủ động hướng dẫn nhân dân khai hoang lập điền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nghị đánh giá: kết quả lớn nhất sau 3 năm triển khai phong trào xây dựng xã văn hóa là bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%, số hộ đạt gia đình văn hóa các cấp chiếm 84%, xã được công nhận phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi. Điều đáng nói, kết quả này sẽ thúc đẩy lộ trình xây dựng xã Bình Hòa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Đối với xã Ea Ô (huyện Ea Kar), kết quả sau 3 năm thực hiện phong trào xây dựng xã văn hóa thể hiện qua những con số rất ấn tượng: tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,6 triệu đồng/năm, 71% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 81% số hộ đạt gia đình văn hóa các cấp, 15/21 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện, 90% số thôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khu luyện tập thể dục thể thao, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường… Các thôn, trường học đều thành lập đội văn nghệ, thể thao, thường xuyên tổ chức giao lưu, hội thi, hội diễn. Vào dịp lễ, tết, địa phương tổ chức ngày hội ném còn, biểu diễn đàn tính, hát then để duy trì nét văn hóa truyền thống và tạo “sân chơi” cho người dân trong vùng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Chuyền cho biết, để được công nhận danh hiệu xã văn hóa 3 năm liền, địa phương phải đạt 30 tiêu chí thuộc 6 tiêu chuẩn về đời sống kinh tế, văn hóa, cảnh quan môi trường, chấp hành pháp luật, công tác đền ơn đáp nghĩa và tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn lực của nhà nước, địa phương, chính quyền xã còn chỉ đạo các ngành, đoàn thể, ban tự quản thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia. Nhờ vậy, người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất, dỡ bỏ hoa màu (trị giá trên 5 tỷ đồng) để mở rộng 80 km đường giao thông thôn xóm với chiều rộng trung bình 7-9 m và bê tông hóa 1 km đường, xây dựng hội trường thôn. Các tổ an ninh nhân dân và tổ hòa giải đều có sự tham gia của người dân, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.

Thực hiện đạt 29/30 tiêu chí, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) được công nhận  đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa giai đoạn 2010-2012.
Thực hiện đạt 29/30 tiêu chí, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) được công nhận đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa giai đoạn 2010-2012.

Để phong trào đạt hiệu quả thiết thực

Trong giai đoạn 2010-2012, toàn tỉnh có 12 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố đăng ký thực hiện và có hồ sơ đề nghị Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh xem xét, công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Sau khi phúc tra, Ban chỉ đạo tỉnh đã ký Quyết định  số 37/QĐ-BCĐ, ngày 4-11-2013 công nhận 9 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2010 – 2012 gồm: xã Ea Ô, xã Cư Ni, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar); xã Pơng Drang (huyện Krông Buk); xã Ea Blang, phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ); xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar); xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột); xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Như vậy, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh mới chỉ có 18/184 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa 3 năm liền, trong đó, một số địa phương vẫn còn từ 1 đến 3 tiêu chí chưa đạt, phổ biến như: thu nhập bình quân đầu người, chưa đủ số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, còn xảy ra tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, chưa có đủ nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Bà Phan Thị Như Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng, những nội dung quy định tại Hướng dẫn 1578/HD-BCĐ về tiêu chuẩn, bình xét, công nhận “Xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa” trên địa bàn tỉnh còn cao, chẳng hạn như: thu nhập bình quân đầu người của một số địa phương so với tiêu chí nông thôn mới thì đạt nhưng theo quy định tại Hướng dẫn 1578 lại chưa đạt; hoặc có những tiêu chí chưa cụ thể, chỉ mang tính định tính nên rất khó cho cơ sở trong việc đánh giá như: xây dựng và quản lý tốt môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa và dịch vụ thương mại khác; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các tệ nạn xã hội, các vụ án nghiêm trọng do người tại địa phương gây ra…

Cũng theo bà Phan Thị Như Thủy, để các tiêu chí của phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2013 trở đi tỉnh đã bãi bỏ Hướng dẫn 1578/HD-BCĐ để thực hiện thống nhất theo Thông tư 17/TT-BVHTTDL về xây dựng “Xã văn hóa nông thôn mới” và Thông tư 02/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về “Xây dựng phường, thị trấn văn minh đô thị”. Việc thực hiện theo 2 thông tư trên sẽ có những tiêu chí cao hơn, khó đạt hơn nhưng cũng sát với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, do vậy, từng địa phương cần quyết liệt trong triển khai thực hiện, tránh tình trạng chạy đua theo thành tích, tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phát huy thế mạnh riêng có, chú trọng huy động nội lực và tạo được ý thức xây dựng nếp sống văn hóa trong dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.