09:33, 26/02/2014
Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia cầm nên nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát và lây lan trên diện rộng là rất cao.
Thế nhưng, với đa số người nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại gia với số lượng nuôi không nhiều, thì ý thức thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm vẫn chưa nghiêm túc, như: không vệ sinh chuồng trại, không phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên, không dùng vắc-xin phòng dịch cho đàn gia cầm, thậm chí khi gia cầm chết hàng loạt cũng không báo cho cơ quan chức năng. Như hộ ông Nguyễn Đình Nam ở khối 7, tổ dân phố 3, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), cách đây hơn 1 tuần, đàn gà mái đang đẻ gồm hơn 20 con của ông bỗng chết sạch. Ông liền đem chôn và không báo với thú y cơ sở nên không rõ nguyên nhân gà chết. Ông Nam cho biết, do năm nào gia đình ông cũng nuôi gà nhưng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên cũng không tiêm phòng đầy đủ. Do số lượng nhỏ nên khi thấy chết như vậy thì ông chủ động đem chôn. Xung quanh gia đình ông cũng có 2, 3 hộ gia đình chăn nuôi gà, do số lượng ít nên cũng không tiêm phòng… Việc phối hợp phòng chống dịch tại các cơ sở buôn bán, giết mổ gia cầm ở các chợ lẻ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng diễn ra lỏng lẻo. Theo quan sát của chúng tôi tại chợ Phan Đình Phùng, phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), hầu hết số gia cầm nhập vào chợ đều không rõ nguồn gốc; công tác kiểm dịch tại đây cũng thả nổi. Hơn 10 gian hàng buôn bán, giết mổ gia cầm nằm ngay giữa chợ, xung quanh là các quầy hàng khác đông đúc nhưng việc giết mổ vẫn tiến hành thủ công và thiếu vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ một cơ sở buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ cho biết: “Chúng tôi không đặt mua gia cầm tại các chỗ có dịch, ngoài ra ở chợ chưa xảy ra dịch nên mọi người vẫn tiêu thụ, mua bán gia cầm bình thường. Do những ngày gần đây nghe nói có dịch cúm gia cầm nên số lượng khách mua có giảm, lượng khách ít hơn”. Ông Lê Hữu Trì, Phó Ban quản lý chợ Phan Đình Phùng thừa nhận: “Trước đây, hằng năm Ban quản lý chợ phối hợp với bên vệ sinh môi trường phun thuốc các khu bán gà với mục đích là tẩy các độc hại; phối hợp với Trung tâm y tế thường xuyên kiểm tra vệ sinh buôn bán tại các hộ tiểu thương trong chợ. Nhưng từ hôm có dịch đến giờ trung tâm y tế chưa xuống”.
|
Tại nhiều chợ trên địa bàn, việc giết mổ gia cầm vẫn chưa có biện pháp phòng dịch. |
Còn với người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Mấy hôm nay tôi có xem, đọc thông tin ở trên mạng, trên báo thấy dịch cúm là rất nguy hiểm và bản thân cũng rất lo lắng nhưng giờ ra chợ cũng không biết ăn gì nên đành mua gà. Bản thân tôi cũng không rành, không biết về dấu hiệu để chọn gà, thịt gà bị dịch hay không dịch nên thấy miếng nào ngon thì tôi mua”.
Lý giải về nguyên nhân người nuôi gia cầm không chủ động việc tiêm phòng, theo ông Nguyễn Bá Chinh, phụ trách thú y trên địa bàn xã Hòa Thắng thì, trước đây có nguồn vắc-xin của trung ương hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên bà con cũng tham gia rất đầy đủ việc tiêm vắc-xin phòng dịch, đạt tỷ lệ cao. Thế nhưng trong 1, 2 năm trở lại đây thì nguồn kinh phí đó cũng không còn, do đó với quy cách đóng chai vắc-xin lớn nên người dân nuôi với quy mô nhỏ, lẻ chủ yếu là trong gia đình cũng ngại đi mua và kêu cán bộ thú y về tiêm. Cũng theo ông Chinh, ngoài việc tuyên truyền vận động, cần nhất là có nguồn vắc-xin được hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, hoặc Chi cục thú y triển khai hằng năm như trước đây để việc tiêm phòng vắc-xin đạt kết quả tốt hơn.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc