Multimedia Đọc Báo in

Người dân thôn Đoàn Kết góp vốn kéo điện về sử dụng

09:48, 05/03/2014
Thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) có 100 hộ dân. Mặc dù thôn Đoàn Kết đã được đưa vào kế hoạch đầu tư kéo điện song do nguồn vốn ngân sách khó khăn nên chưa triển khai được. Để có điện sử dụng, một số hộ đã bỏ tiền kéo điện về dùng, tuy nhiên số hộ này không nhiều, đa số các hộ dân  trong thôn vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu… và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất.

Trước tình hình đó, năm 2013 Chi bộ, Ban Tự quản thôn đã tổ chức họp các hộ dân và bàn cách chủ động kéo điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất chứ không ỷ lại và trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Do thôn cách trung tâm xã 3 km nên để kéo được điện phải cần nguồn kinh phí rất lớn mà với một địa phương còn nhiều khó khăn như thôn Đoàn Kết là điều không dễ. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn còn quan niệm: “điện, đường, trường, trạm” là những công trình do Nhà nước đầu tư nên không đồng ý tham gia đóng góp, chấp nhận sống trong cảnh đèn dầu đợi đến khi Nhà nước đầu tư rồi mới thụ hưởng. Tuy nhiên, nhờ Chi bộ, Ban Tự quan thôn khéo léo, kiên trì tuyên truyền, vận động nên người dân đã nhanh chóng hiểu được lợi ích của việc kéo điện về thôn và tích cực hưởng ứng tham gia. Ông Nguyễn Quốc Tráng, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết: “Lúc đầu chỉ có 30 hộ tham gia nhưng nhờ tích cực tuyên truyền vận động nên 100% hộ dân trên địa bàn đều hưởng ứng. Mức đóng đóp được tính theo diện tích đất sản xuất đối với từng hộ, với 10 triệu đồng/ha. Toàn thôn có hơn 200 ha đất sản xuất, bình quân mỗi hộ có từ 1 – 4 ha”.

Đường điện tại thôn Đoàn Kết được thực hiện từ nguồn vốn huy động đóng góp của người dân.
Đường điện tại thôn Đoàn Kết được thực hiện từ nguồn vốn huy động đóng góp của người dân.

Sau khi huy động được tiền đóng góp của người dân, Chi bộ, Ban tự quản thôn đã hợp đồng với công ty điện lực kéo điện. Trong quá trình thi công, nhiều hộ cũng đã chủ động phối hợp cùng kéo điện tạo không khí lao động sôi nổi… Sau 7 tháng thi công, đến nay công trình đường điện thôn Đoàn Kết đã hoàn thành  và được bàn giao đưa vào sử dụng với tổng kinh phí thực hiện lên đến 1,6 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí này đều do người dân trong thôn đóng góp. Có điện thắp sáng và sinh hoạt, cuộc sống của người dân trong thôn đã trở nên thuận tiện hơn nhiều. Ông Võ Văn Mười, một hộ dân trong thôn vui vẻ nói: “Có điện, cuộc sống của gia đình tôi đã trở nên thuận lợi hơn nhiều, đặc biệt là trong sản xuất. Gia đình tôi có 1 ha cà phê, những năm trước khi chưa có điện, mỗi đợt tưới tôi phải tốn khoảng 1 triệu đồng. Nay có điện thì tính ra kinh phí tưới chỉ tốn  khoảng 300.000 đồng. Việc tưới bằng điện lợi hơn tưới bằng dầu gấp 3 lần…”.

Thành công của việc “hùn vốn” kéo điện của thôn Đoàn Kết, không chỉ làm cho diện mạo của địa phương ngày càng khởi sắc mà còn thể hiện được sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.