Thu phí bảo trì đường bộ xe mô tô: Kết quả không như mong đợi
Hiện nay nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương chỉ đáp ứng khoảng 20 đến 50% cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Vì thế việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ được xem là nguồn lực quan trọng góp phần cải thiện hạ tầng giao thông của cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng. Tuy nhiên, do mới triển khai từ cuối năm 2013, công tác này tại Dak Lak cũng gặp không ít khó khăn, tỷ lệ thu không đạt kết quả như mong đợi.
Kỳ I: Còn nhiều bất cập
Tháng 8-2013, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện mô tô trên địa bàn tỉnh, nhưng việc kê khai và thu phí ở các địa phương đến nay vẫn diễn ra rất chậm.
Triển khai chậm
Nghị quyết HĐND tỉnh số 90/2013/NQ-HĐND, ngày 19-7-2013 quy định tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi chung là mô tô), bao gồm: mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy (trừ xe máy điện), xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xy lanh, xe đăng ký biển số tại Dak Lak hoặc đăng ký tại địa phương khác, nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại Dak Lak đều thuộc đối tượng chịu phí đường bộ. Theo đó, đối với mô tô có dung tích xy lanh đến 100cm3, mức phí phải nộp là 50.000 đồng/xe/năm; xe có dung tích xy lanh trên 100cm3, mức phí 105.000 đồng//xe/năm; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xy lanh, mức phí 2.160.000 đồng/xe/năm. Theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, có 2 đối tượng được miễn thu phí đường bộ đối với mô tô gồm xe của lực lượng công an, quân đội và xe của chủ phương tiện thuộc hộ nghèo. Văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ: đối với mô tô phát sinh trước ngày 1-1-2013 thì thực hiện kê khai, nộp phí cả năm 2013 trước ngày 31-12-2013; đối với mô tô phát sinh từ ngày 1-1-2013 trở đi thì việc kê khai, nộp phí thực hiện như sau: thời điểm phát sinh từ ngày 1-1 đến 30-6 hàng năm, mức phí phải đóng ½ mức thu của năm; thời điểm xe phát sinh từ ngày 1-7 đến 31-12 hàng năm thì chủ phương tiện thực hiện kê khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau, không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh. Theo các văn bản của tỉnh, thời gian áp dụng mức thu phí từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, các văn bản hướng dẫn từ trên triển khai chậm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm nên công tác thu phí gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian từ khi có văn bản hướng dẫn đến thực tế triển khai quá ngắn, việc thu phí lại diễn ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán nên công tác thu phí không đạt kết quả như mong đợi. Hầu hết các địa phương đến cuối tháng 9 đầu tháng 10-2013 mới thực hiện phát tờ khai đến các thôn, buôn, tổ dân phố, do đó đến hết năm 2013 còn nhiều địa phương vẫn chưa thu được phí. Theo báo cáo của Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh: đến hết tháng 12-2013, toàn tỉnh mới thu được trên 8,5 tỷ đồng, trong đó vẫn còn một số đơn vị đạt kết quả rất thấp như huyện Buôn Đôn chỉ thu được 42 triệu, huyện Cư Kuin chưa tiến hành thu…
Phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện đối với mô tô sẽ được sử dụng vào việc sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông. |
Chưa có chế tài xử phạt
Đến nay vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không đóng phí bảo trì đường bộ nên người dân chưa thật sự quan tâm. Mặc dù trước đó, tại điểm g, khoản 3, Điều 33 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, ngày 19-9-2012 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 2-4-2010 của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: "Phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với chủ mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định”, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thời gan áp dụng chế tài xử phạt. Tuy nhiên, tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông. Cụ thể, tại các điểm a, b, c, khoản 3, Điều 17, Nghị định này chỉ nêu: “chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô điều khiển xe không có Giấy đăng ký theo quy định; sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; xe không gắn biển số hoặc biển số không đúng với biển số đăng ký tại cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt từ 300 đến 400.000 đồng”. Thực tế cho thấy, qua kết quả kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh 2 tháng đầu năm 2014 mới chỉ phạt các lỗi: vượt quá tốc độ cho phép, vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… mà chưa tiến hành xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không nộp phí bảo trì đường bộ, có chăng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở người vi phạm.
Người dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) nộp phí bảo trì mô tô tại ban tự quản thôn. |
Ông Lê Công Xuân, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT) – ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Dak Lak cho biết, việc kê khai đầu phương tiện chịu phí vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập. Trong đó phải kể đến số lượng xe vãng lai như xe có đăng ký biển số, nhưng đã hết niên hạn sử dụng, xe chưa sang tên đổi chủ, một số xe lâu năm bị hư hỏng, ít sử dụng hoặc chỉ sử dụng cho việc đi nương rẫy nên các hộ dân không kê khai nộp phí đối với các trường hợp này. Thậm chí số xe mô tô thông qua đăng ký với cơ quan Công an cũng chưa có thống kê cụ thể, chính xác. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể nên tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân chưa cao.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng quản lý Quỹ, tính đến ngày 24-2, toàn tỉnh thu được trên 9,2 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ đối với mô tô. Trong đó, TP.Buôn Ma Thuột trên 2,1 tỷ; thị xã Buôn Hồ trên 1 tỷ; huyện Krông Năng trên 1 tỷ. Riêng 2 tháng đầu năm 2014, các huyện, thị có tỷ lệ thu đạt cao: Lak thu được 135 triệu; Buôn Hồ 123 triệu; Cư Kuin 86 triệu.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc