Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời

09:09, 15/04/2014
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo thương mại ngày càng phát triển. Tuy nhiên thực tiễn những gì đã và đang diễn ra cho thấy vẫn còn những “lỗ hổng” lớn trong quy hoạch, quản lý loại hình này…
 
“Láo nháo”...   quảng cáo ngoài trời

Năm 2009, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã lập Đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Theo đó, kích cỡ, chiều cao, kiểu dáng, khoảng cách đối với các bảng quảng cáo được quy định cụ thể, chi tiết đối với từng vị trí như trên quốc lộ, tỉnh lộ; trong nội thành, nội thị. Đơn cử như trên đường quốc lộ, đối với bảng quảng cáo tấm lớn, vị trí được quy định là từ mép nền đường đến cạnh gần đường nhất của bảng quảng cáo tối thiểu 25 m; diện tích 40 m2 - 96 m2 một mặt; chiều cao tối đa 10 m tính từ mặt đường đến mép dưới của quảng cáo; kiểu dáng một cột trụ hoặc hai cột trụ, một mặt hoặc nhiều mặt bảng; khoảng cách giữa các bảng quảng cáo từ 150 m - 200 m theo chiều dọc tuyến đường và tại các đường cong, khoảng cách giữa hai bảng quảng cáo từ 100-150 m...

Hoạt động quảng cáo (ở đây chỉ xin đề cập đến quảng cáo ngoài trời, quảng cáo thương mại) trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản được hình thành trên tuyến đường giao thông và trong nội thị. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Văn hóa thì hoạt động này vẫn còn tồn tại những bất cập. Đa số các biển quảng cáo đều tồn tại tự phát, chưa có quy hoạch, không có hồ sơ quản lý chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm vị trí, xen cấy còn phổ biến. Do hậu quả của việc xây dựng chắp vá trong những năm qua nên về  hệ thống biển quảng cáo ngoài trời còn chồng chéo, lộn xộn, thiếu mỹ quan, một số địa điểm không còn phù hợp về quy mô và vị trí, cần phải được sắp xếp lại cho hợp lý. Sự phân bố không đồng đều, chủng loại còn đơn điệu cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan đô thị. Không khó để nhận ra những hạn chế này khi người đi đường thấy phản cảm bởi tấm panô, áp phích được treo chon von trên những cây cao bên đường. Rồi những quảng cáo đã hết thời hạn hoặc qua thời điểm tuyên truyền đã lâu mà vẫn còn phấp phới tung bay, thậm chí đã rách, bạc phếch vì mưa gió… cũng không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt ngay tại những tuyến đường trung tâm, tập trung các hoạt động giao thương như trên đường Lê Hồng Phong, Y Jút, Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột)… nhiều băng rôn, panô quảng cáo được dựng lên với đủ kích thước, đặt ở những vị trí cao thấp khác nhau đã tạo nên sự lôm nhôm, thậm chí mất an toàn. Trong khi đó, theo quy định đối với mỗi tuyến đường phải áp dụng một bảng quảng cáo với diện tích, chiều cao, kiểu dáng, khoảng cách thống nhất.

“Hoa mắt” vì quảng cáo. (Ảnh minh họa)
“Hoa mắt” vì quảng cáo. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của Đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào quản lý; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo có điều kiện và cơ sở đầu tư lâu dài, có chiến lược phát triển dài hạn; sắp xếp phân bố hợp lý hệ thống bảng quảng cáo; góp phần xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình phúc lợi công cộng hiện đại, văn minh; tạo môi trường không gian, kiến trúc cảnh quan mới cho đô thị vùng Tây Nguyên phù hợp với sự phát triển chung của khu vực… Tuy nhiên, đối chiếu với những mục tiêu này với thực tiễn thì vẫn còn những khoảng cách lớn, trong khi tầm nhìn đến năm 2015 của Đề án đã dần khép lại.

Khó trong hậu kiểm

Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan đối với hoạt động quảng cáo được quy định khá rõ. Cụ thể, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch dựa vào quảng cáo được duyệt, cấp phép về vị trí, kích thước, nội dung và ma-két quảng cáo của các biển quảng cáo nằm trên hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. Sở Xây dựng cấp phép xây dựng công trình quảng cáo về lĩnh vực hình thức chất liệu và an toàn kết cấu xây dựng. Sở Tài chính quản lý tiền thuê đất của các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, hằng năm bố trí vốn cho công tác tuyên truyền cổ động nhiệm vụ chính trị và quảng cáo không có mục đích sinh lời. Sở Giao thông – Vận tải kiểm tra công tác thực hiện quảng cáo trên các trục lộ giao thông bảo đảm hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật. UBND các huyện, thị xã, thành phố dựa vào quy hoạch quảng cáo được duyệt, cấp phép về vị trí, kích thước và nội dung, ma-két quảng cáo của các biển quảng cáo nằm trên hệ thống giao thông huyện lộ và nội thị. Tuy nhiên, sự phối hợp trong khâu hậu kiểm sau khi các đơn vị, cá nhân được cấp phép cho quảng cáo ngoài trời, lại gần như bằng không. Nhiều quảng cáo có “dính” đến nhiều sở nên việc xét duyệt mới chỉ trên hồ sơ giấy tờ và sau khi xét duyệt xong, có phê duyệt đồng ý thì có thể coi như hoàn tất, công việc tiếp theo là theo dõi cung cách, số lượng, thời gian treo quảng cáo thì bị bỏ ngỏ. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực. Thêm nữa, việc cấp phép quảng cáo lại không được thu phí nên cũng ảnh hưởng đến việc tái đầu tư xây dựng hệ thống biển quảng cáo cũng như chất lượng quản lý quảng cáo. Ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đơn cử về những bất cập, hạn chế trong quản lý loại hình quảng cáo ngoài trời như sau: Một đơn vị, cá nhân đến đăng ký quảng cáo, trong đó có ma-két, số lượng, cụ thể nhưng thực tế khi thực hiện, số lượng thậm chí nội dung có tuân thủ đúng hay không thì rất khó kiểm duyệt, nhất là những quảng cáo có số lượng lớn hàng trăm băng rôn, panô, áp phích. Nhiều quảng cáo được cấp phép chỉ treo trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng thực tế hạ xuống lúc nào lại tùy vào ý thức của cá nhân, doanh nghiệp. Hầu hết quảng cáo được hạ bằng cách người sau hạ của người trước, tức người có nhu cầu quảng cáo muốn có vị trí treo thì phải tự gỡ những quảng cáo cũ xuống. Một yếu tố nữa là theo quy định, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ cấp phép, quản lý đối với những quảng cáo ngoài trời, còn những quảng cáo tại cửa hiệu của cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thì vẫn mạnh ai nấy làm, thích sao làm vậy, gây mất mỹ quan đô thị.

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo ngày càng phát triển và trở thành như cầu không thể thiếu để phục vụ tuyên truyền cũng nhu sản xuất kinh doanh. Thiết nghĩ, để phù hợp với quá trình phát triển cần có một quy hoạch về cơ sở hạ tầng mang tính dài hơi cho loại hình này. Đồng thời quá trình đầu tư khai thác cần phải tuân thủ theo phương án quy hoạch. Các sở, ngành liên quan cần có sự phối hợp để cấp phép, quản lý có hiệu quả các quảng cáo, tạo môi trường không gian, kiến trúc cảnh quan cho đô thị. Và suy cho cùng, quảng cáo ngoài trời mang tính thương mại cũng là một dịch vụ, theo đó cần được thực hiện trên cơ chế cùng có lợi để tạo nguồn kinh phí tái đầu tư cho việc quản lý.

Đàm Thuần – Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.