Multimedia Đọc Báo in

Cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí "Hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới

10:08, 06/05/2014
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đã được triển khai thực hiện hơn 3 năm. Nhiều địa phương đã phấn đấu đạt được khá nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 13 về “Hình thức tổ chức sản xuất”, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên dễ dẫn đến đánh giá theo cảm tính.

 “Hình thức tổ chức sản xuất” được nêu trong tiêu chí là: “có tổ hợp tác  hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả”. Nếu hiểu một cách đơn giản thì mỗi địa phương chỉ cần có 1 “tổ hợp tác dùng nước” hoặc 1 “tổ dịch vụ vật tư nông nghiệp” hoạt động hiệu quả, vẫn có thể được đánh giá đạt được tiêu chí này.

Xét về mặt hình thái xã hội thì “Hình thức tổ chức sản xuất” chính là một trong 3 mặt của quan hệ sản xuất (Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, Quan hệ tổ chức lao động sản xuất và Quan hệ phân phối sản phẩm lao động). Hiện nay, chúng ta đang phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mặc dù đa dạng các hình thức sở hữu, song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Như vậy, “Hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới phải nằm trong quy luật đó. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi hình thức, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phát triển tương xứng với vai trò, vị thế còn ít, ruộng đất được giao quyền sử dụng cho hộ gia đình nên một số nơi không còn hợp tác xã nông nghiệp, đây chính là nguyên nhân mà việc dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với thị trường gặp nhiều khó khăn.

Luật Hợp tác xã 2012 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý Hợp tác xã…”. Đây là một quy định mở, phù hợp với thực tế hiện nay, song ở nông thôn hầu hết là nông dân, lực lượng lao động khá dồi dào, thời vụ nông nhàn cũng không ít, nếu không có quy định về số lượng tổ hợp tác hoặc HTX trong một địa phương, mức độ quy mô: lớn, vừa hoặc nhỏ cụ thể cho từng vùng (đồng bằng, miền núi, trung du…) thì địa phương nào cũng không cần phải phấn đấu vẫn dễ dàng đạt được tiêu chí số 13, trong khi đó có nhiều tiêu chí khác phải nỗ lực cả giai đoạn vẫn có thể chưa đạt được chuẩn.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc