Multimedia Đọc Báo in

Công và tư

08:57, 07/05/2014
Một thực tế đang tồn tại trong hệ thống y tế tỉnh ta là nhiều bệnh viện công lập luôn hoạt động trong tình trạng quá tải, thậm chí ở nhiều chuyên khoa như nhi, ung bướu, chấn thương chỉnh hình… quá tải lên đến 200%-300%, còn một số bệnh viện tư nhân được xây dựng với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, nhưng lại thưa thớt bệnh nhân.
 
Số liệu thống kê mới đây của ngành Y tế cho thấy, toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện tư nhân, 14 phòng khám đa khoa, 365 cơ sở khám chữa bệnh các chuyên khoa và dịch vụ y tế, nhưng mỗi năm hệ thống này mới chỉ khám và kê đơn điều trị cho khoảng 800.000 lượt người, chiếm chưa tới 20% trong tổng số lượt người khám chữa bệnh chung của toàn ngành. Nghịch lý này đang dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là khi ngân sách đầu tư cho y tế công còn hạn chế.

Và sự hợp tác công – tư giữa các bệnh viện đang là điều mà các nhà quản lý đầu ngành mong muốn vừa để giảm quá tải, vừa hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Trong khi đó, việc hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế ở tỉnh ta hiện mới chỉ dừng ở hoạt động chuyên môn, nghĩa là các bệnh viện công lập hỗ trợ cho các bệnh viện tư trong cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân, chứ chưa có sự hợp tác liên kết, liên doanh trong việc thực hiện các dịch vụ y tế.  Có thể nói, để có cái “bắt tay” giữa bệnh viện công và bệnh viện tư là điều rất khó thực hiện nếu như vấn đề quyền lợi ở mỗi bên không được giải quyết thấu đáo. Trên thực tế, có bệnh viện công dù quá tải nhưng vì cơ chế tự chủ tài chính phải cân đối thu - chi nên vẫn muốn “giữ chân” người bệnh, thậm chí, nhiều nơi còn muốn quá tải nhiều hơn để có thêm nguồn thu!

Được biết, ngành Y tế hiện đang thực hiện nhiều đề án giảm tải như xây dựng bệnh viện vệ tinh, luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới; triển khai mô hình bác sĩ gia đình… Vậy tại sao không đẩy mạnh việc hợp tác giữa y tế công lập và tư nhân, bởi làm như thế bệnh viện công có thể chia sẻ với bệnh viện tư về nhân lực, uy tín và chuyên môn, còn bệnh viện tư lại chia sẻ với bệnh viện công về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, và hơn hết vấn đề quá tải ở các bệnh viện công cũng được giải quyết phần nào. Thiết nghĩ muốn hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế tạo được hiệu quả, Nhà nước cần thực hiện tính đúng, tính đủ giá viện phí để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa y tế công và y tế tư. Đồng thời mở rộng hành lang pháp lý trong việc chuyển bệnh giữa các tuyến theo hướng đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, không nhất thiết chỉ là chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên hoặc chỉ chuyển từ bệnh viện tư sang bệnh viện công như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét để người bệnh thực sự được làm chủ thẻ bảo hiểm y tế của chính mình, tức là được quyền lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không phân biệt bệnh viện công hay bệnh viện tư.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc