Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng từ Chương trình 135

10:21, 04/05/2014

Những con đường nông thôn được kiên cố hóa, những phòng học khang trang, điện bừng sáng khắp mọi nhà..., cuộc sống mới với nhiều đổi thay ấy ở những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh chính là nhờ có sự góp phần của Chương trình 135 đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn được triển khai trong những năm qua.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình 135 ở huyện Krông Buk đã góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Giai đoạn 2006-2010, với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng từ Chương trình 135 giai đoạn II, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được xây mới phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân ở xã vùng sâu, vùng xa Ea Sin, Cư Pơng và các buôn ĐBKK của xã Cư Né và Cư Kpô. Nhiều phòng học được sửa chữa và xây mới, góp phần cải thiện điều kiện học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Đối với chương trình hỗ trợ sản xuất, trong giai đoạn này đã triển khai hỗ trợ 6 máy sấy cà phê cho 6 nhóm hộ gia đình (60 hộ tham gia), heo, bò giống sinh sản cho trên 320 hộ nghèo ở các xã Cư Pơng, Cư Kpô, Cư Né cùng với khoảng 1.600 cây sầu riêng, 12.000 cây xoài, bơ ghép cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Sin… Giai đoạn 2011-2013, huyện tiếp tục được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn III, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng, nhờ đó, các xã ĐBKK đã xây dựng được các công trình thiết yếu, các hộ dân trên địa bàn được tạo điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Như xã Ea Sin, nhờ được sự hỗ trợ của Chương trình 135 đã cải thiện cơ sở hạ tầng của xã, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), xã đầu tư xây mới các công trình: đường giao thông nông thôn buôn Ea Kap, lớp học mẫu giáo thôn Ea My, hội trường nhà văn hóa xã. Còn ở xã Cư Pơng, năm 2013, từ nguồn kinh phí được duyệt trên 2,3 tỷ đồng, một số tuyến đường giao thông ở đây cũng được sửa chữa, cải tạo như đường từ buôn Ayun Ea Liăng đi buôn Ea Klok và đường từ buôn Ea Tuk đi buôn Cư Hiăm. 

 

Sự hỗ trợ đầu tư của Chương trình 135 góp phần cải thiện điều kiện  dạy của giáo viên, học sinh ở xã Cư Pơng.
Sự hỗ trợ đầu tư của Chương trình 135 góp phần cải thiện điều kiện dạy của giáo viên, học sinh ở xã Cư Pơng.

Chương trình 135 đến nay đã bước sang giai đoạn III và vẫn đang được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư. Sự hỗ trợ này đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần đắc lực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK của tỉnh. Ông Nguyễn Như Quyền, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) với tổng vốn trên 385 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 375 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, chợ nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 24.703 hộ đồng bào dân tộc thiểu số gồm: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; đồng thời xây dựng 44 mô hình sản xuất điểm cho 180 hộ. Bên cạnh đó còn mở 272 lớp bồi dưỡng cho cán bộ  xã; 17 lớp tham quan mô hình sản xuất, 2 lớp đào tạo nghề chăn nuôi cho 85 thanh niên dân tộc thiểu số… Bước vào giai đoạn III của Chương trình, trong 2 năm (2011-2012) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 116 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 347 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phân bón, giống vật nuôi cây trồng cho 13.259 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; mở 18 lớp tập huấn cho 1.497 cán bộ xã, 37 lớp cộng đồng với 2.286 học viên…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc