Multimedia Đọc Báo in

Ổn định các khu tái định canh, định cư thuộc công trình thủy điện: Cần giải pháp lâu dài về sinh kế

16:30, 31/05/2014

Việc xây dựng các công trình thủy điện đã khiến hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh phải chuyển nơi ở và canh tác. Tại các khu tái định canh, định cư (TĐCĐC), cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đầy đủ, đời sống người dân tương đối ổn định. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn lớn nhất hiện nay là làm sao để phát triển kinh tế một cách hiệu quả và mang tính lâu dài cho các hộ thuộc diện TĐCĐC.

Cơ sở hạ tầng đầy đủ, nhưng thiếu bền vững

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số 18 dự án thủy điện đã hoàn thành, có 3 thủy điện nhỏ gồm Ea Drăng 2, Krông Hing 2 và Ea Mđoan 2 được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường trực tiếp với người dân do diện tích đất bị ảnh hưởng ít; 15 DA còn lại phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với giá trị bồi thường hơn 596 tỷ đồng, hỗ trợ gần 51 tỷ đồng. Về công tác TĐCĐC, 4 công trình thủy điện phải bố trí các khu TĐCĐC tập trung cho 1.107 hộ thuộc diện di dời với tổng diện tích đất hơn 868 ha, trong đó: thủy điện Buôn Kuôp có 1 khu TĐCĐC và 1 khu tái định canh, thủy điện Buôn Tuar Srah có 1 khu tái định canh và 2 khu tái định cư, thủy điện Sêrêpôk 3 có 1 khu tái định canh và 1 khu tái định cư, thủy điện Krông Hnăng có 5 khu tái định cư.

Huyện Buôn Đôn có 4 công trình thủy điện: Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, Sêrêpôk 4A và Ea Tul 4, trong đó thủy điện Sêrêpôk 3 thực hiện bố trí TĐCĐC. Cụ thể: khu tái định cư được xây dựng trên địa bàn xã Ea Nuôl có tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010 với 44 hộ, diện tích đất bố trí 400 m2, nhà 55 m2/hộ. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông nội vùng (dài 622 m, rộng 4 m), nhà văn hóa (135 m2), nhà trẻ mẫu giáo (296 m2), nhà y tế (132 m2), đường điện chiếu sáng và hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung gồm bể chứa, giếng khoan và đường ống. Khu vực tái định canh được bố trí tại tiểu khu 527 và 533 thuộc địa bàn xã Tân Hoà với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng, 61 hộ được nhận đất tái định canh, diện tích bình quân 2 ha/hộ. Khu vực này cũng được đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng như giếng khoan, bể chứa, máy bơm nước tưới và hệ thống điện sản xuất.

Một góc khu tái định cư thủy điện Buôn Tuar Srah tại buôn Dak Tro, xã Krông Nô, huyện Lak.
Một góc khu tái định cư thủy điện Buôn Tuar Srah tại buôn Dak Tro, xã Krông Nô, huyện Lak.

Trong khi đó, công trình thủy điện Buôn Tuar Srah đã ảnh hưởng đến 2.046 hộ dân các xã Dak Nuê, Krông Nô, Nam Kar và Ea Rbin, huyện Lak nên công tác TĐCĐC cũng được chủ đầu tư quan tâm. Theo đó, 2 khu tái định cư Lạch Dơng và Phi Ji Da A và B được bố trí tại xã Krông Nô cho 86 hộ dân, quy mô 5,5 ha, với hệ thống cơ sở hạ tầng khá đầy đủ như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, điện chiếu sáng. Đất tái định canh cũng đã được giao cho 153 hộ, tổng diện tích 214 ha, cùng với bố trí hồ chứa và hệ thống kênh tưới đến các khu vực đất sản xuất.

Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay các khu TĐCĐC đã được chủ đầu tư bàn giao cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực này như đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt… do ít được bảo trì, duy tu nên đã xuống cấp, gây khó khăn cho đời sống của người dân được thụ hưởng.

Cần một định hướng sản xuất phù hợp

Theo đánh giá của các địa phương, về cơ bản đời sống người dân tại các khu TĐCĐC tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, để tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế một cách ổn định, lâu dài đang là bài toán khó của người dân và các địa phương. Nguyên nhân là họ chưa quen với đời sống tại nơi ở và sản xuất chỗ mới, điều kiện canh tác thuận lợi, cơ sở hạ tầng xuống cấp và tiền bồi thường, hỗ trợ không được tái đầu tư cho sản xuất một cách hợp lý.

Về các khu tái định cư thủy điện Krông Hnăng tại buôn Hoang, buôn Năng, buôn Zô và buôn Pa (xã Cư Prao, huyện M’Drak), nhiều người có cảm giác đây là khu vực giàu có bởi nhà cửa, cơ sở hạ tầng được chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba đầu tư khá bài bản. Tuy nhiên, thực tế đằng sau những ngôi nhà có vẻ khang trang ấy, nhiều hộ dân vẫn thuộc diện nghèo. Già làng Y Kố Ksơ (buôn Năng) chia sẻ: về nơi ở mới được “thủy điện” đầu tư điện, nước, sinh hoạt đỡ vất vả hơn, còn tiền đền bù sau khi nhận, bà con làm nhà, mua ti vi, xe máy hết, không còn tiền làm ăn nên lại tiếp tục nghèo. Tuy nhiên, căn nguyên lớn nhất của cái nghèo ở đây là đất sản xuất không thuận lợi. Nếu như trước đây, người dân quanh vùng có thể mưu sinh bằng nghề cá dưới sông Krông Hnăng, đất trồng lúa có năng suất cao nhờ nước tưới thuận lợi, thì giờ đây nghề đánh cá không còn, đất sản xuất ven hồ bị thu hồi, thay vào đó là đất bố trí mới ở khu vực đồi cao, cằn cỗi, thiếu nước tưới nên vụ được, vụ mất. Chưa kể, có khu vực đất đền bù cho người dân lẫn nhiều đá sỏi, không trồng trọt được, thậm chí, một số hộ dân không còn đất canh tác và trồng cỏ chăn nuôi. Bên cạnh đó, sau khi tiêu hết tiền đền bù, nhiều người không còn đủ tiền để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Anh Y Sương Mlô (buôn Hoang) cho biết: nhà có 2,5 ha đất trồng mía, nhưng không có tiền đầu tư cây giống, phân bón nên phải ứng trước tiền của Công ty Cổ phần mía đường 333, với lãi suất 17%/năm và phải cam kết bán mía nguyên liệu cho công ty; nhưng đến mùa thu hoạch thì thu mua chậm khiến người trồng mía rất thiệt thòi. Không những thế đường giao thông tại các khu tái định cư này cũng đã xuống cấp, hư hỏng nặng, vào mùa thu hoạch, các loại nông sản không thể vận chuyển đi tiêu thụ được khiến đời sống người dân khu TĐCĐC vốn khó khăn càng thêm khó.

Trong khi đó, một số hộ dân ở các khu TĐCĐC khác tại Buôn Đôn, Lak, Krông Ana cũng phản ánh tình trạng khó khăn là nhiều diện tích đất sản xuất được bố trí chất lượng không cao, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bị xuống cấp, lực lượng lao động chưa được đào tạo nghề, một số người phải đi làm thuê…, khiến sinh kế lâu dài chưa được bảo đảm. Như vậy, việc đưa ra những giải pháp hiệu quả để giúp người dân tại các khu TĐCĐC phát triển sản xuất, biết cách làm ăn để ổn định cuộc sống một cách bền vững là hết sức cần thiết, nhất là người dân cần được định hướng, hỗ trợ trong việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; được tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản; đào tạo nghề và hướng dẫn về các mô hình kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của họ trên vùng đất mới…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.