Multimedia Đọc Báo in

Thông tin tiếp về "Thầy lang chữa bệnh bằng… chân": Thuốc chữa bệnh của "thầy" Phương không có trong danh mục cây thuốc Việt Nam

09:14, 07/05/2014
Theo lời tường trình ông Nguyễn Tứ Đình Phương, “thầy lang chữa bệnh bằng … chân” (bài đăng trên Báo Dak Lak ngày 22-4-2014) với Phòng Y tế huyện Ea H’leo thì thuốc ông cho người bệnh uống là thuốc gia truyền được chế biến từ cây huyết tử, song các chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định: cây huyết tử không có trong danh mục cây thuốc Việt Nam.

Quan sát tại “phòng điều trị” của ông Phương, chúng tôi nhận thấy, sau khi người bệnh được “đạp” thuốc khoảng 2-3 ngày sẽ được kết hợp phương pháp điều trị vừa uống thuốc vừa “đạp” thuốc. Người bệnh dù bị nhiều loại bệnh khác nhau đều được uống cùng một thứ thuốc. Loại thuốc ông Phương bán cho người bệnh với giá 100.000 đồng/gói gồm những lát rễ cây hoặc thân cây đựng trong túi nilông màu đen, không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng. Khi đưa thuốc cho người bệnh, ông Phương chỉ định liều dùng bằng miệng: “Nấu sôi, uống như uống nước”. Người bệnh nào thắc mắc về nguồn gốc của thuốc thì “thầy” Phương chỉ giải thích: “Đây là bài thuốc gia truyền của dòng tộc, nó gồm những loại rễ cây được lấy từ rừng Tây Sơn (Bình Định), loại thuốc này có thể chữa được nhiều loại bệnh, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ”. Tuy nhiên, trong bản tường trình về phương pháp chữa bệnh “có một không hai” của mình với Phòng Y tế huyện Ea H’leo, ông Phương lại khẳng định thuốc dùng để chữa bệnh là cây huyết tử!(?).

  “Thầy” Phương (bên phải) đang “đạp” thuốc cho người bệnh.
“Thầy” Phương (bên phải) đang “đạp” thuốc cho người bệnh.

Mang gói thuốc của “thầy” Phương đến Hội Đông y tỉnh để nhờ giải đáp, chúng tôi được bác sĩ Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh khẳng định: “Trong danh mục cây thuốc của Việt Nam không có loại cây nào tên là huyết tử”. Xem xét những lát rễ cây trong gói thuốc, cả bác sĩ Tài và những bác sĩ Đông y có mặt khi ấy đều không nhận ra đó là vị thuốc gì bởi rễ cây đã phơi khô thì rất khó phân biệt đó là loại cây nào. Về phương pháp chữa bệnh của “thầy lang” Phương, bác sĩ Tài cho biết: “Việc lấy gót chân nhúng vào nước gừng ngâm rượu rồi hơ nóng và day vào các huyệt hay chỗ đau gần giống với phương pháp ngải cứu trong Đông y, tức là cứu vào các huyệt đạo để tạo ra đường khí huyết lưu thông. Tuy nhiên, với phương pháp ngải cứu chỉ có thể giúp người bệnh giảm đau tạm thời ở một giai đoạn nào đó, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Còn phương pháp chữa bệnh như của ông Phương hiện không nằm trong sách y văn. Muốn biết được phương pháp ấy có hiệu quả hay không phải theo dõi người bệnh lâu dài mới kết luận được…”.

Rõ ràng, đến thời điểm này cách chữa bệnh cũng như thuốc chữa bệnh của “thầy lang” Phương vẫn chưa được ngành chức năng thừa nhận và đánh giá xem có hiệu quả hay không. Hơn nữa, cũng cần nhắc lại rằng “thầy” chưa hề được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cũng không hề có bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này. Vì thế, việc người bệnh tin rằng cách chữa bệnh của “thầy” Phương có thể điều trị khỏi bách bệnh, kể cả các bệnh nan y, là không có cơ sở!

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.