Khó khăn và giải pháp trong việc cấp điện cho các hộ dân di cư tự do
Các hộ dân di cư tự do tại buôn Ea Kông, xã Ea Sô, huyện Ea Kar vẫn mong mỏi được sử dụng điện lưới quốc gia để phát triển chăn nuôi và trồng trọt |
Hiện nay toàn tỉnh có trên 189 thôn, buôn và 719 cụm dân cư thuộc các thôn, buôn chưa có điện sử dụng hoặc đã có nhưng chất lượng điện chưa bảo đảm. Để đầu tư hoàn thiện lưới điện, cung cấp cho toàn bộ các thôn, buôn và cụm dân cư này, ngành Điện phải đầu tư tổng nguồn vốn hơn 1.588 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng là một vấn đề lớn khi các hộ dân thuộc đối tượng này thường sống thưa thớt, tại các vùng xa dân cư, có địa hình hiểm trở, sản lượng điện tiêu thụ hằng tháng mỗi hộ chỉ dưới 50kWh.
Nằm trong 719 cụm dân cư chưa có điện của tỉnh, các hộ dân thuộc buôn Ea Kông, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) thuộc đối tượng dân di cư tự do, hiện nay vẫn chưa có điện để sử dụng. Bà con nơi đây chủ yếu là dân di cư từ phía Bắc vào, sinh sống bằng việc trồng mía và các cây hoa màu ngắn ngày. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Ea Kar cho biết: “Ea Kar là một trong những huyện được đầu tư xây dựng lưới điện khá nhiều nhằm bảo đảm các tiêu chí về kỹ thuật. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn một số cụm dân cư thuộc 3 buôn và 8 thôn chưa có điện với tổng số 875 hộ. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên, đưa các hộ này vào đề án cấp điện thôn buôn giai đoạn 2013-2020”. Trước khó khăn của ngành Điện, bà con buôn Ea Kông cũng chủ động dùng điện từ các nguồn khác như bình sạc ắc-quy, dùng năng lượng mặt trời, kéo điện tại các hộ gần đó... Ông Phạm Kinh Tuyến, người dân buôn Ea Kông tâm sự: “Trong buôn hiện có khoảng 40 hộ chưa có điện. Chúng tôi đã đề nghị lên chính quyền địa phương nhưng được biết ngành Điện đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa đầu tư xây dựng được. Do nhu cầu sử dụng của gia đình không lớn nên chúng tôi tự sắm thiết bị dùng năng lượng mặt trời với giá hơn 5 triệu đồng để tích điện sử dụng. Gia đình tôi giờ đã có điện để thắp sáng, có tivi để theo dõi thông tin, tuy nhiên vẫn mong mỏi được sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia…”.
Với nguồn vốn hiện tại được Tổng Công ty phân bổ hằng năm, Điện lực Dak Lak chỉ có thể sử dụng để duy trì, cải tạo, sửa chữa lưới điện hiện có cũng như đầu tư xây dựng thêm một số cụm nhỏ của các thôn, buôn. Đối với những công trình do địa phương làm chủ đầu tư, Công ty chủ động thực hiện tiếp nhận, tổ chức quản lý vận hành, bán điện đến các hộ dân sau khi các dự án thành phần được đưa vào sử dụng. Trước nguyện vọng của người dân, thực hiện chủ trương của Chính phủ mục tiêu đến năm 2020 cơ bản các hộ dân có điện, Sở Công Thương và Điện lực Dak Lak đã có đề án cấp điện (gồm 3 giai đoạn từ năm 2011-2014, 2015-2017 và 2018-2020), trình Bộ Công Thương xem xét và đã được Thủ tướng đã được phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, kết hợp cân đối nguồn tài chính, Nhà nước sẽ lên kế hoạch ưu tiên cấp điện các thôn, buôn chưa có điện, những địa phương có tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc, những địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Như vậy, với những chủ trương lớn trong mục tiêu Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm trong phát triển điện nông thôn, lưới điện sẽ từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Trong số đó, các hộ dân di cư tự thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nằm trong đối tượng ưu tiên cấp điện nhằm có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển sản xuất.
Hương Cẩm
Ý kiến bạn đọc