Multimedia Đọc Báo in

Xe đạp thồ – "nghề độc" trên đất cố đô

10:45, 03/06/2014

Từ lâu, hình ảnh những chiếc xe xích lô chở khách du lịch, hàng hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của một bộ phận cư dân TP. Huế. Nhưng đặc biệt ở đây còn có nghề xe đạp thồ, xuất hiện nhiều nhất ở xung quanh khu vực chợ Đông Ba, chở từng mớ rau, mớ cá của những người buôn thúng bán mẹt và khách nghèo đi chợ.

Phiên chợ sớm bắt đầu nhộn nhịp thì người ta cũng bắt gặp những “lão phu xe” đã có mặt ở đó tự lúc nào. Bên những chiếc xe đạp mang biển số, xếp thành dãy thẳng hàng trước cổng chợ, họ đứng chờ khách gọi chở. Ông Nguyễn Văn Thông nhà ở huyện Quảng Điền cách thành phố hơn chục cây số, phải dậy từ 5g sáng, lọc cọc đạp xe lên chợ mà không kịp ăn sáng. Nhai tạm ổ bánh mì lót dạ mua ngay trước cổng chợ, ông giải thích: “Phải tranh thủ lên sớm, chứ khách gọi mà mình không có mặt thì mất mối như chơi”. Trong chợ, các tiểu thương bắt đầu nhận hàng, các phu xe từng người lần lượt vào chợ bốc, chở hàng cho khách theo mối quen của mình. Từng chiếc xe tỏa đi các nơi, hàng hóa chủ yếu là trái cây và tạp phẩm được chở về các chợ Bến Ngự, Tây Lộc hoặc chợ Dinh để bán lẻ. Từ đây, cánh xe đạp thồ lại chở những người bán cá, bán rau gom hàng về lại chợ Đông Ba để bán.

Xe đạp thồ len lỏi đến nhiều ngõ ngách TP. Huế.
Xe đạp thồ len lỏi đến nhiều ngõ ngách TP. Huế.

Đang tranh thủ giải lao sau một “cuốc” thì có khách gọi chở thùng chén bát đi giao, ông Bảo vội vàng chạy vào chợ bốc hàng. Cột hàng cẩn thận, ông dắt xe luồn qua những dòng người ra đường lớn rồi khom lưng nhấn mạnh chân lên bàn đạp. Đến cầu Gia Hội, do đường dốc, ông phải xuống đẩy xe, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Lên cầu, ông dựa xe vào thành cầu, rút chiếc khăn lau mồ hôi trên mặt, dỡ chiếc mũ cối phe phẩy mấy cái rồi tiếp tục đạp. Cánh “phu xe đạp” thường nghỉ trưa ngay tại chợ, ăn vội đĩa cơm bụi rồi lại xếp hàng, vừa nghỉ trưa vừa chờ khách. Dưới tán cây điệp, họ kể đủ thứ chuyện để quên đi mệt nhọc. Phần lớn người làm nghề xe đạp thồ ở Huế đều là người già. Có vẻ nghịch lý, bởi nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe. Trong số phu xe ở đây, có bốn người đã ngoài 70, số còn lại “trẻ” nhất cũng đã qua tuổi ngũ tuần. Một người cho biết: “Vì sợ dị (xấu hổ) với người khác nên thanh niên không có đứa mô chịu làm nghề ni.”. Nghề xe đạp thồ, ít có người làm… cho vui, mà hầu hết đều vì miếng cơm manh áo. Nhiều tuổi, không nghề nghiệp, họ không thể tìm được việc khác đành chấp nhận làm nghề này. Khách hàng của những phu xe nghèo phần lớn cũng là người nghèo. Đó là những người đi chợ bán lẻ kiếm ngày vài chục ngàn tiền lời và người đi chợ xa không đủ tiền đi xe hon đa thồ.

Trước đây, làm nghề xe đạp thồ xung quanh chợ Đông Ba có đến cả trăm người. Những năm gần đây, xe máy tràn lan nên nghề này càng khó kiếm hơn. Không ít người đã từ bỏ nghề, hiện chỉ còn khoảng 10 người, vào mùa hè thì còn vài người đạp xe. Cụ Hòa, người làm nghề đã hơn 20 năm tâm sự: Già rồi, nhưng phải bám vào chiếc xe đạp cũ để kiếm vài chục ngàn rau cháo. Cái nghề này khỏe thì đỡ, chứ đau là đói liền, xem ra cũng bạc bẽo lắm. Cực thì đã đành, nhiều người còn không hiểu, mình đạp vã mồ hôi mà họ cứ cò kè từng đồng; chưa kể những khi làm mất hay đổ bể hàng của khách là phải còng lưng mà đền.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.