"Cái vòng luẩn quẩn" ở buôn Pư Krông
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở buôn Pư Krông (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đang ngày càng gia tăng. Tại đây, chuyện những gia đình có 5-6 thậm chí là 8-9 người con không phải là chuyện hiếm và kéo theo đó là hệ lụy: nghèo đói, thất học, trẻ suy dinh dưỡng…
Sau khi cưới (năm 1992), vợ chồng anh Y Hin Êban và chị H’Ai Byă ở buôn Pư Krông cho rằng phải sinh thật nhiều con để sau này gia đình có thêm nhiều lao động và được phụng dưỡng khi về già nên đến nay đã có 8 người con, đứa con đầu bước vào 22 tuổi thì đứa con thứ 8 mới được vài tháng tuổi. Nhà đông người, vốn liếng chỉ vỏn vẹn 2 sào rẫy nên cuộc sống của gia đình Y Hin luôn ở trong tình trạng túng quẫn, ăn bữa trước chạy bữa sau. 4 đứa con lớn trong nhà mới chỉ học xong tiểu học thì lần lượt bỏ học đi làm thuê kiếm tiền nuôi thân. Đứa con thứ 6 vừa học hết lớp 2 cũng đã nghỉ học để ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm. Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, vợ chồng anh Y Phong Ayun và chị H’Nghiêm Byă hiện đã có 5 đứa con, đứa đầu 16 tuổi, còn đứa con út mới chưa đầy 1 tháng tuổi. Cả gia đình có 9 nhân khẩu (vợ chồng anh Y Phong còn nuôi dưỡng bố mẹ già) nhưng chỉ có 1 sào đất trồng lúa nên để có cái ăn qua ngày cho cả gia đình, hàng ngày anh Y Phong và đứa con trai lớn phải đi làm bốc vác thuê, phụ hồ… Đối với những đứa trẻ trong gia đình Y Phong, mỗi ngày mong miếng cơm no bụng còn khó, mơ gì đến miếng thịt, cá, sữa nên chúng đều bị suy dinh dưỡng thấp còi, ngay cả đứa út sinh đủ tháng cũng chưa đầy 2,5 kg.
Chị H’Nghiêm Byă cùng 3 đứa con nhỏ trong căn nhà tuềnh toàng. |
Những trường hợp nhà đông con, nghèo khó như gia đình anh Y Hin và Y Phong ở buôn Pư Krông không phải chuyện hiếm. Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Ning: buôn Pư Krông hiện có 278 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 89 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, nhiều nhất là gia đình có 11 người con, còn đa số là gia đình có từ 5-8 con. Thời gian qua, cán bộ dân số xã đã phối hợp với Ban tự quản và cộng tác viên dân số của buôn tích cực tuyên truyền, tư vấn để người dân buôn Pư Krông thực hiện kế hoạch hóa gia đình, song hiệu quả vẫn đạt thấp. Chị H’Met Adrơng, cộng tác viên dân số buôn Pư Krông cho biết: “Nguyên nhân chính của việc sinh đẻ nhiều ở buôn là do người dân còn quan niệm “đông con là nhiều của”. Cũng xuất phát từ quan niệm ấy mà nhiều cặp vợ chồng trong buôn còn tỏ rõ sự bất hợp tác với cán bộ dân số. Khi chúng tôi đi tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình còn bác bỏ và nói rằng họ đẻ được thì nuôi được, không cần người khác phải lo”. Thực tế ở buôn Pư Krông cho thấy, sinh đông con là một trong những nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy như: trẻ thất học, suy dinh dưỡng… Theo ông Y Thi Niê, Buôn trưởng buôn Pư Krông thì: “Trong số 274 hộ của buôn có đến 110 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, chất lượng cuộc sống thấp. Trong khi các thôn, buôn khác trên địa bàn đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình ít con, ấm no, hạnh phúc thì ở buôn Pư Krông vẫn còn luẩn quẩn với việc tìm giải pháp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3”.
Rõ ràng, để giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở buôn Pư Krông hiện nay, thiết nghĩ ngoài việc đầu tư về vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là phải có biện pháp truyền thông phù hợp với từng đối tượng để xóa bỏ quan niệm cổ hủ, lạc hậu “đông con là nhiều của” đang tồn tại ở nhiều gia đình.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc