Đồng hành cùng người lao động
Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động…
Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm đời sống và các quyền lợi chính đáng cho người lao động. Một trong những hoạt động khẳng định vai trò của các cấp công đoàn đối với công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là chương trình “Mái ấm công đoàn”. Với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, việc xây dựng được ngôi nhà chắc chắn để ở thật khó, thậm chí với không ít người đó chỉ là ước mơ. Việc tổ chức Công đoàn hỗ trợ người lao động xây dựng nhà ở không đơn thuần chỉ là giúp gia đình họ có nơi che mưa, che nắng mà còn tạo tâm lý yên tâm lao động sản xuất, bởi “có an cư mới lạc nghiệp”. Ngôi nhà của anh Bùi Duy Khương, đoàn viên Công đoàn Công ty Điện lực Dak Lak là một minh chứng như vậy. Gần 30 năm công tác tại Công ty Điện lực Dak Lak, đã ngoài 50 tuổi nhưng gia đình anh Khương vẫn sống tại khu tập thể của Nhà máy đèn thuộc phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột (nay đã được Nhà nước thanh lý). Ngôi nhà gia đình anh đang ở vốn là nhà tập thể được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, hoàn cảnh của gia đình anh Khương rất khó khăn, vợ anh lại không có việc làm nên mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương tháng của anh. Vì vậy, mỗi khi mưa gió, nhà bị dột vợ chồng anh chỉ biết “vá chỗ nọ, đắp chỗ kia” để ở, còn việc xây dựng một ngôi nhà vững chắc vẫn nằm ngoài khả năng của gia đình. Trước hoàn cảnh ấy, Công đoàn Công ty Điện lực Dak Lak đã hỗ trợ anh Khương làm thủ tục để Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở. Với mức hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ tương trợ xã hội (nguồn quỹ được xây dựng từ đóng góp của cán bộ công nhân viên ngành Điện) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cộng với tiền tích cóp của gia đình và vay mượn thêm của bạn bè, anh Khương đã xây dựng được căn nhà mơ ước với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Trong buổi lễ gắn biển “Mái ấm Công đoàn”, anh Khương xúc động: “Tôi thực sự rất vui vì gia đình mình đã có được một căn nhà khang trang, không còn phải lo sợ mỗi khi trời mưa gió. Phải nói rằng, chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã giúp tôi hoàn thành tâm nguyện lớn trong đời. Tôi rất cảm ơn các cấp công đoàn”.
Bàn giao Nhà công vụ giáo viên cho Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Quang Trung |
Hay như trường hợp của gia đình chị Đinh Thị Phương Mai, công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đoàn viên Công đoàn ngành NN-PTNT cũng vậy. Mỗi khi nhắc đến chuyện làm nhà, chị không thể quên “những viên gạch hồng” của công nhân, viên chức, lao động các cấp công đoàn, bởi trong 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà khang trang gia đình chị đang ở có 30 triệu đồng do Công đoàn ngành hỗ trợ, phẩn còn lại do các đồng nghiệp trong cơ quan và gia đình, họ hàng giúp đỡ, cho vay. Cứ nhớ đến những sự giúp đỡ ấy, chị Mai lại cảm động: “Tôi rất biết ơn trước sự hỗ trợ, san sẻ khó khăn của Công đoàn ngành NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng đồng nghiệp, bạn bè. Nhờ họ gia đình tôi mới có được ngôi nhà mới, ổn định cuộc sống để yên tâm công tác”.
Có lẽ, anh Khương, chị Mai chỉ là 2 trong số rất nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp công đoàn thông qua chương trình “Mái ấm công đoàn”. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các cấp công đoàn đã vận động xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn” được trên 3,5 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ xây mới 115 nhà “Mái ấm công đoàn” và sửa chữa 24 nhà cho các đối tượng chính sách, cán bộ công chức, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đánh giá về chương trình này, ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: “Việc hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm của các cấp công đoàn đối với đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Qua đó đã tạo được hiệu ứng xã hội cao, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo đoàn viên công đoàn. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của chương trình này, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay; tăng cường đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể gắn với thực tế của đơn vị và địa phương mình”.
Rõ ràng, qua những minh chứng cụ thể cho thấy tổ chức công đoàn đã thực sự phát huy được hiệu quả, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc đối với người lao động, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc