Multimedia Đọc Báo in

Lá rách ít đùm lá rách nhiều!

09:55, 14/07/2014

Không hề quen biết nhưng từ gặp nhau tại điểm thi đại học, các thí sinh, phụ huynh sẵn sàng nhường cơm, sẻ chia chăn ấm, hay mời nhau về ở chung…  để tạo điều kiện tốt nhất cho con em “vượt vũ môn”.

Suất cơm đậm đà tình cảm

Đứng đợi con trước điểm thi Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak từ sáng sớm đến hơn 10 giờ trưa, chú Đặng Văn Hiếu, xã Ea Yông (huyện Krông Pak) sau một hồi đắn đo đã mang 2 phiếu cơm miễn phí tới gửi lại cho nhóm áo xanh tình nguyện. Chứng kiến cảnh đó, nhiều phụ huynh chưa kịp hiểu lý do gì thì chú Hiếu đã nhẹ nhàng giải thích: “Xin được gửi lại 2 phiếu cơm cho những sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn hơn bố con tôi. Đứng đây đợi con từ lúc sáng đến giờ, tôi được biết rất nhiều gia đình còn cơ cực và rất cần được giúp đỡ”… Chú Hiếu kết thúc câu nói bằng một nụ cười hiền và bước đi trong cơn mưa mà không hề biết nhiều ánh mắt đồng cảm dõi theo mình. Mọi người càng kính trọng chú hơn khi biết chú và cậu con trai phải dậy từ 5 giờ sáng, vượt hơn 35 km để kịp giờ thi. Ngay buổi trưa hôm ấy, cả 2 bố con lại chọn một địa điểm ngẫu nhiên để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho môn thi buổi chiều. 

Cô Dần (bìa trái) xúc động khi được  cô Danh  (bìa phải) san sẻ  phiếu cơm.
Cô Dần (bìa trái) xúc động khi được cô Danh (bìa phải) san sẻ phiếu cơm.

Sau chú Hiếu chừng 10 phút, cũng tại điểm thi này, cô Nguyễn Thị Danh, ở xã Ea Riêng (huyện M’Drak) nhanh chóng đi về phía cô Ngô Thị Dần, ở phường Quang Trung, TP. Kon Tum (Kon Tum) rồi nói nhỏ: “Bà ơi, tui có phiếu cơm cho bà đây nè! Bà cứ cầm lấy đi, chừng này cũng tiết kiệm được 15 ngàn đồng rồi đó bà!”… Chuyện là, cùng đợi con ở một địa điểm thi nên các cô quen biết nhau. Cô Dần nhẹ nhàng kể lại: “Trong lúc đợi con thi thì ngoài này chúng tôi bắt chuyện, hỏi han nhau chuyện gia đình, con cái học hành. Vậy là chẳng mấy chốc trở nên thân quen, chúng tôi còn cho nhau số điện thoại để hỏi han sau kỳ thi nữa, vui lắm!”. Cũng qua trò chuyện, cô Danh biết được hoàn cảnh khó khăn của cô Dần nên đã san sẻ một phiếu cơm mà cô được cấp phát. Cầm phiếu trên tay, cô Dần rưng rưng xúc động: “Quả thật, nó chẳng đáng là bao nhưng đó là cả một tấm lòng mà những người mẹ đưa con đi thi chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc gặp khó”. Còn cô Danh tâm sự: “Nhà tôi cũng làm nông, không khá giả gì, nhưng thấy bà Dần, tôi thương quá. Bà ấy phải chạy vạy mãi mới kiếm được tiền đưa con gái lên đây thi đại học. Còn bao nhiêu khoản phải chi trả nữa, nên giúp bà ấy tiết kiệm được bao nhiêu thì tôi cứ cố gắng thôi”…

“Về ở phòng tôi cho gần!”

Đó là lời mời thành tâm của cô Danh dành cho người bạn mới quen, trong lúc chờ con trước điểm thi. Chuyện là cô Bùi Thị Thủy, ở xã Ia Phìn, huyện Chư Brông (Gia Lai) đưa con gái là Trần Thị Thủy Tiên lên Dak Lak dự thi đại học. Hai mẹ con quyết định chọn một phòng trọ giá rẻ trên đường Y Wang để ở tạm qua 2 đợt thi. Đợt 1, Thủy Tiên và mẹ chỉ mất 5 phút đi bộ là tới điểm thi ở Trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, tới đợt 2 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak lại khá xa nên cô Thủy phải thuê xe ôm cho con gái tới điểm thi để đỡ phần vất vả, còn mình nhọc nhằn đi bộ hơn 15 phút để đỡ khoản kinh phí ngoài dự trù. Bóng dáng người mẹ gầy gò, hốc hác trong nắng trưa khiến nhiều phụ huynh không khỏi xót xa. Đồng cảm với người mẹ nghèo vật chất, giàu tình yêu ấy, cô Nguyễn Thị Danh mời cô Thủy về nghỉ trưa tại phòng mình thuê trọ. Cô Danh chia sẻ chân thành: “Tôi được sinh viên tình nguyện chỉ cho phòng thuê rộng rãi, thoáng mát lại gần ngay điểm thi nữa, rất tiện cho việc đi lại. Trưa nay bà và cháu nó cứ về phòng tôi mà nghỉ trưa, tiền phòng thì đừng lo, tôi trả xong xuôi rồi. Bà về đó, các cháu lại có thêm thời gian nghỉ trưa, chuẩn bị cho buổi thi tiếp…” 

Vậy là, ở 2 đợt thi đại học này, thí sinh Thủy Tiên không chỉ được mẹ yêu thương, săn sóc mà còn được cô Danh - người bạn mới quen của mẹ tận tình lo lắng. Sự giúp đỡ ấy không là bao về vật chất, nhưng lại là món quà tinh thần cho Thủy Tiên tiếp tục vượt khó để đạt mơ ước.

Chăn chiên đắp cùng…

Hơn 80 thí sinh nữ trọ miễn phí tại nhà cô Nguyễn Thị Liễu ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột (tại điểm thi Trường THPT Lê Duẩn) thì có tới khoảng 90% là thí sinh người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh, thành khác nhau trong khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em chỉ có khoảng 200 ngàn hoặc 800 ngàn đồng làm lộ phí cho kỳ thi đại học.

Hơn 80 thí sinh từ chỗ không quen biết bỗng chốc sinh hoạt chung dưới một mái nhà. Đồng cảnh ngộ, lại cùng một ước mơ chinh phục giảng đường đại học, các thí sinh tích cực giúp đỡ nhau ôn bài, hỗ trợ bút mực, san sẻ cho nhau từng cái bánh ngọt. Hơn thế, họ còn kê chung gối, đắp chung chăn và kể cho nhau nghe về gia đình, bạn bè nơi họ sinh sống.

Thí sinh Y Hang, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum (Kon Tum) dự thi ngành Giáo dục Tiểu học cho biết: “Bố mẹ bận đi làm rẫy và chăm các em nhỏ nên em phải tự đi thi một mình”. Trong suốt quãng đường đi thi, nữ sinh người dân tộc Rơ Ngao vô cùng lo lắng vì đây là lần đầu tiên đi xa nhà. Vậy nhưng, khi được ở trong một tập thể mới quen, với nhiều bạn bè đồng trang lứa lại vui tính, tốt bụng khiến Y Hang yên tâm hẳn. Em cho biết: “Ngoài giờ thi, bọn em hay trao đổi kinh nghiệm học tập, giúp nhau kiểm tra lại kiến thức. Tối đi ngủ còn được các bạn cho đắp chung chăn, ấm áp và vui lắm”.

Đồng cảnh ngộ với Y Hang, thí sinh H’Na Thel Byă, ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã một mình vượt gần 60 km để lên phố dự thi đại học. Bố mẹ gom góp mãi mới được 200 ngàn đồng để H’Na Thel Byă làm lộ phí ứng thi. “Em không mang gì ngoài tiền bố mẹ cho và mấy cuốn sách ôn bài. Thật may mắn khi em gặp được các anh chị tình nguyện và cô chủ nhà tốt bụng. Bọn em được phát cơm miễn phí, ở cũng miễn phí nên không phải lo lắng nhiều. Còn mấy người bạn mới quen cho em mượn gối và đắp chung chăn… Dù mới quen nhưng mọi người tốt bụng và nhiệt tình với nhau lắm”- H’Na Thel Byă xúc động.

Mỗi thí sinh, phụ huynh đều có một hoàn cảnh khó khăn nhất định. Dẫu biết mình còn lắm vất vả nhưng đạo lý “lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã được họ thể hiện một cách tuyệt vời…

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc