Đề án hỗ trợ sinh kế tại các xã xây dựng nông thôn mới: Trao thêm "cần câu" cho người khuyết tật và trẻ mồ côi
Bà Nguyễn Thị Mận và cô con gái tàn tật. |
Nguồn vốn hỗ trợ cho một đối tượng không nhiều, chỉ ở mức từ 700.000 đồng đến 4 triệu đồng nhưng đã góp phần giảm bớt phần nào khó khăn cho các đối tượng, tạo thêm một “cần câu” giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp vợ chồng bà Nguyễn Thị Mận ở thôn 18A, xã Ea Bar (Buôn Đôn). Mặc dù tuổi cao, hai ông bà vẫn phải chăm bẵm cô con gái Nguyễn Thị Dung (35 tuổi) như chăm con mọn. Bị thiểu năng trí tuệ nên dù đã lớn nhưng Dung vẫn cứ ngơ ngác như đứa trẻ lên 3. Mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân vẫn phụ thuộc hết vào bố mẹ. Tuổi già, sức yếu, lại phải chăm nom đứa con khuyết tật nên vợ chồng bà Mận chẳng làm gì ra tiền, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ năm 2012, được Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 2,5 triệu đồng làm vốn nuôi heo, bà Mận như có thêm một “chiếc cần” để câu “cá”. Heo nhà bà phát triển tốt, sinh sản nhiều, mỗi lứa đẻ từ 7-9 heo con; đến nay bà Mận đã xuất chuồng được vài lứa heo, sau khi trừ hết chi phí cũng lãi được vài triệu đồng, có thêm đồng ra đồng vào để lo ăn uống, chăm sóc cho cô con gái kém may mắn. Ngoài gia đình bà Mận, ở xã Ea Bar còn có 33 đối tượng khác được hỗ trợ từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi; trong đó có 7 đối tượng được giúp vốn nuôi heo với mức 2,5 triệu đồng/người và 3 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh với mức 4 triệu đồng/công trình. Chị Đặng Thị Thúy Thanh, cán bộ UBND xã Ea Bar cho biết: Nguồn hỗ trợ từ Đề án đã góp phần giúp các đối tượng tàn tật và trẻ mồ côi của xã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Một số hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tạo thêm sinh kế cho gia đình.
Tại xã Hòa Phong (Krông Bông), Đề án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi được triển khai từ năm 2012 đã giúp vốn chăn nuôi và trồng rau cho 49 đối tượng kém may mắn trên địa bàn. Qua thực tế triển khai, nhận thấy nuôi heo không ổn định, một số đối tượng đã chuyển sang làm các dịch vụ khác có hiệu quả hơn. Như trường hợp ông Lê Yên – một đối tượng bị khuyết tật, thuộc diện nghèo ở thôn 4 – đã sử dụng vốn được hỗ trợ để làm bánh tráng, thu nhập hiện cũng đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Hay như anh thanh niên khuyết tật Y Kuet Liêng ở buôn H’Ngô A, nhờ hơn 1 triệu đồng do Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ, đã có vốn mua phụ tùng để làm nghề sửa chữa xe máy và buôn bán nhu yếu phẩm lặt vặt, từ đó có thu nhập ổn định và tự nuôi sống được bản thân. Ông Mai Viết Tăng, cán bộ phụ trách công tác thương binh – xã hội UBND xã Hòa Phong cho biết: “Trong số những đối tượng được hỗ trợ, có khoảng 70% bảo toàn được vốn và phát huy hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ của Đề án, nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên, tự lập và làm chủ được cuộc sống của mình”. Ở xã Dak Phơi (Lak), nhiều hộ được cấp vốn nuôi heo năm 2012 đến nay đã phát triển việc chăn nuôi rất tốt, có những hộ mỗi lứa xuất chuồng đạt thu nhập đến 5 triệu đồng/lứa heo. Ở xã Ea Trang (M’Drak), trong số 29 đối tượng được cấp vốn nuôi heo năm 2013 thì đến nay đã có 27 hộ có heo sinh sản...
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra giám sát và đánh giá kết quả Đề án, Hội nhận thấy sự hỗ trợ này vừa thiết thực về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về tinh thần. Các đối tượng là người khuyết tật, trẻ mồ côi có thêm cơ hội để cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn; quan trọng hơn là họ có thêm động lực để phấn đấu, vươn lên. Phát huy những kết quả đạt được, Hội vẫn đang tiến hành khảo sát để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại 1-2 xã xây dựng nông thôn mới trong năm 2014”.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc