Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ

09:28, 05/08/2014
Thực hiện Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho quân nhân sau khi xuất ngũ, thời gian qua bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… phục vụ yêu cầu giảng dạy, Trung tâm đào tạo nghề tại Dak Lak (thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5, Quân khu 5) còn làm tốt công tác tuyển sinh, thu hút học viên bằng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quan tâm giới thiệu, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ sau khi học nghề.
 
Trung tâm trở thành địa chỉ được nhiều quân nhân xuất ngũ lựa chọn cho mình một nghề phù hợp trên con đường lập thân, lập nghiệp…
 
Cầm trên tay tấm thẻ học nghề sau khi ra quân đợt 1-2014, cựu quân nhân Trần Văn Bình không chút đắn đo khi nộp hồ sơ đăng ký học sửa chữa ô tô tại trung tâm: “Lúc còn trong quân ngũ em đã được nghe các anh đi trước giới thiệu về Trung tâm dạy nghề dành cho bộ đội xuất ngũ này và sau khi được Trung tâm trực tiếp về đơn vị tư vấn hướng nghiệp, em đã chọn nghề sửa chữa ô tô vì phù hợp với khả năng”. Còn học viên Đặng Sĩ Dương thì rất hào hứng vì qua hơn hai tháng học lái xe ô tô, em đã điều khiển được phương tiện tương đối thành thạo: “Đây là nghề yêu thích của em từ trước thời gian đi lính, song do gia đình không có điều kiện nên em chưa học được. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được phát phiếu học nghề em liền đăng ký vào Trung tâm học luôn”. Học viên Hoàng Ngọc Tín, tham gia học cơ khí hàn thì tỏ ra rất thực tế khi cho rằng học nghề này mới là “thời thượng”, bởi với đà phát triển như hiện nay nhu cầu thợ hàn có tay nghề cao là rất lớn, nên không lo thiếu việc làm.
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho quân nhân sau khi xuất ngũ  tại Trung tâm đào tạo nghề Dak Lak.
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô cho quân nhân sau khi xuất ngũ tại Trung tâm đào tạo nghề Dak Lak.

Đại úy Võ Văn Thiên, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện Trung tâm đang đào tạo các nghề sửa chữa xe máy, máy nổ, xe ô tô, cơ khí hàn và lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C. Bên cạnh việc tiếp nhận đào tạo nghề cho tất cả các học viên có nhu cầu trên địa bàn tỉnh, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 121, Trung tâm đã đầu tư cơ sở vật chất, sẵn sàng đón nhận đào tạo quân nhân xuất ngũ. “Là một đơn vị quân đội, chúng tôi xác định nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội, đồng thời sẽ tạo nguồn nhân lực dồi dào, giúp địa phương giải quyết bài toán thiếu lao động trên một số lĩnh vực… ”, Đại úy Võ Văn Thiên khẳng định. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Trung tâm đã thành lập bộ phận tuyển sinh, cứ trước mỗi đợt ra quân lại đến tất cả các đơn vị đóng chân trên địa bàn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân, tuyên truyền giải thích những quyền lợi quân nhân được hưởng sau khi xuất ngũ. Có một thực tế là sau khi Quyết định 121 ra đời vào năm 2009, bản thân quân nhân xuất ngũ và gia đình chưa ý thức, nhìn nhận hết được ý nghĩa, giá trị khi có trong tay tấm thẻ học nghề nên sau khi cấp phát, nhiều quân nhân “cho vào tủ” và để hết thời hạn chứ không đi học nghề do lầm tưởng không được miễn các chi phí đào tạo, trong khi bản thân vẫn có nhu cầu học một nghề nào đó nhưng gia đình lại không có điều kiện. Chính vì vậy nên năm đầu tiên thực hiện Quyết định 121, chỉ được 223 học viên quân nhân xuất ngũ tham gia học nghề tại Trung tâm. Để khắc phục điều này, từ năm 2011 trở đi, bộ phận tuyển sinh của Trung tâm đã đến tất cả các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách cho quân nhân xuất ngũ cũng như tư vấn, hướng nghiệp các nghề phù hợp năng khiếu, khả năng của mỗi người… Kết quả là tỷ lệ học viên tham gia đào tạo nghề tại Trung tâm đã tăng nhanh chóng, từ 223 học viên năm 2010 lên 505 học viên năm 2013, và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 đã là 386 học viên.

Song song với việc làm tốt công tác tuyển sinh, Trung tâm cũng có những chính sách hỗ trợ, động viên học viên rất cụ thể, thiết thực, mang đậm tình đồng chí, đồng đội. Cụ thể mỗi học viên học các nghề cơ khí hàn, sửa chữa ô tô, xe máy, máy nổ…được hỗ trợ tiền ăn 150.000 đồng/tháng. Với những học viên ở xa, Trung tâm đã hợp đồng ký túc xá của Trường Đại học Tây Nguyên để các em ở lại, thuận tiện học nghề và còn được hỗ trợ thêm 150.000 đồng/người. Đối với học viên học lái xe ô tô, trước ngày sát hạch, Trung tâm sẽ thuê trường lái cho học viên làm quen một buổi trước khi thi chính thức. “Học viên chúng em rất bất ngờ vì không nghĩ mình đã được học nghề hoàn toàn miễn phí lại còn được Trung tâm hỗ trợ tiền ăn, tiền ở ký túc xá nữa” - học viên Trần Văn Bình nói.

Không chỉ chú trọng thu hút đầu vào, Trung tâm còn quan tâm, giới thiệu, tạo việc làm cho học viên sau đào tạo. “Tất cả các học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề ở Trung tâm chúng tôi đều liên lạc, gửi vào các ga ra xe hoặc cơ khí để các em có điều kiện rèn luyện thêm tay nghề cũng như có thu nhập, ổn định cuộc sống. Với các em học lái xe, chúng tôi cũng đặt vấn đề với các doanh nghiệp vận tải để họ tạo cơ hội cho các em vào làm việc và các doanh nghiệp này cũng rất tin tưởng, sẵn sàng tiếp nhận khi các em cầm trên tay chứng chỉ đào tạo nghề với lý lịch quân nhân. Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 70% quân nhân xuất ngũ sau khi qua đào tạo đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, số còn lại thì gia đình hỗ trợ kinh phí mở dịch vụ sửa chữa xe máy tại nhà”, - Đại úy Võ Văn Thiên cho biết.

 Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.