Diện mạo mới ở xã vùng sâu Cư Pui
Trường Mẫu giáo Cư Pui đang được gấp rút thi công kịp đón năm học mới. |
Cách làm trên bước đầu đã mang lại kết quả đáng phấn khởi: người dân ở nhiều thôn, buôn đồng thuận và sẵn sàng góp của, góp sức xây dựng đường giao thông, trường học; đồng thời tham gia tích cực các hoạt động hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, người dân các thôn Ea Uôl, Ea Bar, Ea Rớt, Cư Rang, Cư Tê, Ea Lang, Điện Tân, buôn Khóa đã đóng góp hàng trăm ngày công sửa chữa lại tuyến đường giao thông, cầu và cống, xây dựng sân bóng đá, san lấp mặt bằng công trình nhà văn hóa cộng đồng… trên địa bàn. Ở một số thôn, buôn, nhân dân đã hiến đất, đóng góp kinh phí (dù số tiền đóng góp còn khiêm tốn) để cùng Nhà nước xây dựng một số công trình dân sinh. Cụ thể như: năm 2013, nhân dân thôn Cư Rang đóng góp 80 ngày công và hơn 3,5 triệu đồng, cộng với 2 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ để làm mới cây cầu trên địa bàn thôn; người dân thôn Điện Tân đóng góp gần 19 triệu đồng và hơn 100 ngày công xây dựng sân bóng đá thôn; người dân buôn Dak Tuôr hiến 2.170 m2 đất để làm 310 m đường giao thông nội buôn; đồng bào buôn Khanh đóng góp hơn 60 triệu đồng cùng với nguồn ngân sách xã 30 triệu đồng để xây dựng công trình điện chiếu sáng trong buôn. Mới đây nhất, xã Cư Pui đã vận động được 5 hộ dân tại buôn Khanh hiến 1.100 m2 đất và chặt bỏ 10 cây cà phê để thi công đường tràn cầu treo trong buôn; vận động được 3 hộ dân tại buôn Blăk đồng ý cho thu hồi 4.000 m2 đất với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/1.000 m2 để làm bãi xử lý chất thải tập trung của xã.
Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn song đồng bào người Mông luôn sẵn sàng đóng góp ngày công, góp tiền mua đất và đóng góp vật liệu làm phòng học tạm tại các điểm trường. Chẳng hạn như năm học 2014-2015 này, phụ huynh học sinh Trường THCS Cư Pui đóng góp hơn 60 triệu đồng để lát xi măng hơn 600m2 sân trường; người dân thôn Cư Rang đóng góp hơn 120 ngày công và vật liệu để làm hai phòng học mẫu giáo; nhân dân các thôn Ea Lang, Ea Uôl, Cư Rang và Cư Tê góp 240 ngày công làm mới hai phòng học tạm tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2... Ngoài ra, để có kinh phí làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất trong điều kiện huy động đóng góp từ nhân dân còn hạn chế, trong thời gian qua xã Cư Pui đã tận dụng mọi nguồn vốn từ các chương trình như 135, dự án phát triển lâm nghiệp (FLITCH), Chương trình hỗ trợ giống cho hộ nghèo, vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tranh thủ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp và cả tiết kiệm từ nguồn ngân sách xã...
Tính đến nay, xã Cư Pui mới đạt được 6/19 tiêu chí (15/39 chỉ tiêu) về xây dựng nông thôn mới, gồm: quy hoạch; bưu điện; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Song những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương bước đầu đã làm thay đổi diện mạo của một xã vùng sâu. Các con đường ngang dọc trong buôn Khanh – buôn điểm xây dựng nông thôn mới của xã Cư Pui – đã được bê tông hóa sạch đẹp, hàng chục trụ đèn chiếu sáng vừa được lắp đặt dọc các tuyến đường, nhà văn hóa cộng đồng khang trang, sạch đẹp. Ở một số thôn đông đồng bào người Mông đã thấy những ngôi trường mới đẹp đẽ, kiên cố mọc lên bên những rẫy ngô, rẫy sắn bạt ngàn. Hàng chục hộ dân ở các thôn, buôn được tạo điều kiện vay vốn nuôi bò, chuyển hướng sản xuất từ trồng ngô lai truyền thống sang trồng các loại cây trồng khác như sắn, điều, cà phê, cao su… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy…
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc