Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở buôn từng có nhiều "lâm tặc"

20:44, 28/08/2014

Nhiều năm trước, buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được biết đến là nơi có nhiều “lâm tặc” nhất vùng, và cái nghèo ở đây cũng từng “nổi tiếng” không kém. Vậy mà những năm gần đây, đời sống của người dân trong buôn đang từng bước “thay da đổi thịt”...

Nhắc đến cái nghèo của Jang Lành, Trưởng buôn Y Nhem Rya hồi tưởng câu chuyện cách đây khoảng 10 năm về trước… Ngày ấy, cuộc sống của người Jang Lành chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Quanh năm, phụ nữ trong buôn chỉ biết lên rẫy trồng sắn, trỉa ngô. Nhưng với tập quán canh tác lạc hậu, sản phẩm làm ra năng suất thấp lại bị sâu bệnh hại, chim và thú rừng ăn hết nên mang về nhà chẳng được là bao. Vì vậy, cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám mãi. Còn những đàn ông trai tráng trong buôn thì chủ yếu vào rừng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng. Mỗi chuyến đi rừng của họ thường kéo dài từ 2-3 tuần mới về, ở nhà được một ngày rồi lại phải đi tiếp. Vậy mà những sản phẩm lấy được từ rừng ấy lại bị các đầu nậu thu mua với giá rẻ mạt, thậm chí, họ còn tìm cách quy đổi sang gạo, muối để dụ dỗ các “lâm tặc”. Do không có công việc nào khác để làm nên hầu hết đàn ông của Jang Lành phải bám víu lấy “nghề đi rừng” mà không biết rằng mình đang bị các đầu nậu lợi dụng. Chưa kể, công việc nơi “rừng thiêng nước độc” rất nguy hiểm. Mùa trăng nào cũng có người trong buôn bị chết vì bị cây đè, thú rừng cắn… Từ khoảng năm 2000 trở về trước, gần như cả buôn không có hộ nào khá giả. Đã vậy, những phần tử Fulro lưu vong luôn tìm cách chống phá chính quyền, quấy rối cuộc sống người dân nơi đây. Jang Lành còn được biết đến là “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự…

Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên đã  góp phần  làm thay đổi bộ mặt buôn Jang Lành.
Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt buôn Jang Lành.

Xác định mấu chốt của cái nghèo ở Jang Lành là do nhận thức của người dân còn thấp, những năm qua, chính quyền xã Krông Na đã phối hợp với các hội, đoàn thể của xã đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền người dân bằng những việc làm cụ thể. Theo đó, các hội viên, đoàn thể của xã cùng với già làng, trưởng buôn Jang Lành “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu, nhất là những đối tượng “lâm tặc”. Anh Y Trul Niê chia sẻ: “Tôi đã nhiều năm tham gia phá rừng, săn bắt thú nhưng rồi cuộc sống của gia đình vẫn nghèo đói, vợ con ở nhà bơ vơ vì thiếu bóng đàn ông. Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động làm theo những điều hay, lẽ phải thì tôi và nhiều người đàn ông khác trong buôn đều đã thay đổi nhận thức. Biết được rằng những việc làm của mình là trái pháp luật, nên chúng tôi đã không đi rừng nữa”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương còn triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách dân tộc, nông thôn của Đảng và Nhà nước, nên đời sống của người dân Jang Lành đã được cải thiện đáng kể. Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, để hỗ trợ bà con trong xã nói chung và buôn Jang Lành nói riêng xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, xã Krông Na đã triển khai các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc gia cầm. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động công sức của nhân dân, xã đã hoàn thành nhựa hóa nhiều tuyến đường giao thông trong buôn; đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế cho 100% hộ gia đình trong buôn có điện thắp sáng; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con trong buôn có nơi sinh hoạt, giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống... Cùng với đó là việc chú trọng phát triển cây lúa nước, cây ngô và chăn nuôi gia súc làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ... Theo đó, những diện tích đất rẫy không có nước thường xuyên thì chuyển sang trồng hoa màu, ngô và sắn, còn những khu vực gần sông, suối có nguồn nước tưới tiêu thường xuyên thì tập trung trồng lúa, nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp.

Buôn Jang Lành hiện có 183 hộ với 778 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tới 97%. Giờ đây, cuộc sống của người dân trong buôn có nhiều cải thiện rõ nét. Mọi người đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng các hương ước, quy ước của buôn để gìn giữ, bảo vệ rừng; cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế... Từ một buôn “nổi tiếng” là nghèo (với trên 50% hộ nghèo và cận nghèo) đến nay Jang Lành chỉ còn 23% số hộ nghèo và cận nghèo (tỷ lệ giảm 3%/năm), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 16,5 triệu đồng/người/năm (năm 2014). Nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu như hộ ông Y Nẹ H’Mốk, Y Jih Êban, bà H’Pẹn H’Mốk… thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi và kinh doanh nhỏ lẻ...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc