Multimedia Đọc Báo in

Gắn kết thanh niên từ những phong trào thiết thực

10:53, 26/08/2014

Để tạo hứng thú và khích lệ đông đảo thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn – Hội, nhiều tổ chức, cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với thực tiễn và tâm lý của giới trẻ bằng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hoạt động văn nghệ - thể thao, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội...

Muốn đoàn kết, tập hợp đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia vào các hoạt động của tổ chức Đoàn – Hội cần phải bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của họ. Nhận thức được điều đó, thời gian qua Đoàn xã Dak Liêng (huyện Lak) đã có nhiều cách làm sáng tạo như thành lập các tổ đổi công, góp vốn giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó phải kể đến mô hình tổ góp vốn của chi đoàn buôn M’liêng, được thành lập từ năm 2009, ban đầu chỉ có 5 thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên gần 20 người. Với số tiền 300.000 đồng/thành viên góp vào mỗi quý đã tạo nguồn vốn giúp nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi… bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ mô hình này, nhiều thanh niên đã dần ổn định cuộc sống. Điển hình như hộ anh Trương Văn Quán, sau khi được vay 5 triệu đồng đã mua 2 con bò sinh sản; anh Quan Văn Hữu vay 5 triệu đầu tư trồng bắp và chăm sóc cây cà phê. Đến nay, tổng số vốn của chi đoàn buôn M’liêng đã lên đến hàng chục triệu đồng, tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên vay với lãi suất 0,5%/năm.

Đoàn viên, thanh niên xã Dak Liêng (huyện Lak) tham gia hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại địa phương.
Đoàn viên, thanh niên xã Dak Liêng (huyện Lak) tham gia hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại địa phương.

Không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên giảm khó khăn về nguồn vốn sản xuất, Đoàn xã còn vận động các chi đoàn thành lập tổ đổi công. Đến nay, chi đoàn thanh niên ở 12  buôn đồng bào dân tộc thiểu số đều đã thành lập tổ đổi công với hình thức 2 buôn thành lập một tổ (khoảng 25-30 thanh niên) để giúp đỡ nhau khi gia đình nào có nhu cầu. Không những thế, các thành viên trong tổ còn thường xuyên tham gia các buổi làm công cho người dân trong thôn để lấy tiền tạo nguồn quỹ phục vụ cho các buổi sinh hoạt của chi đoàn. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên các thôn, buôn còn chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Sao Mai Len, Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Dak Liêng cho biết: “Thông qua những buổi sinh hoạt ở các chi đoàn, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của thanh niên về nghề nghiệp cũng như việc làm để xây dựng các mô hình hỗ trợ phù hợp như phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề; giới thiệu, nhân rộng điển hình trong phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…”.

Cũng như Đoàn xã Dak Liêng, Chi đoàn thôn 3 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đã vận động hàng chục thanh niên trong thôn tham gia vào tổ giúp nhau làm đổi công lao động trong các vụ mùa. Việc làm này đã giúp nhiều gia đình thanh niên neo người kịp thời thu hoạch cây trồng, giải quyết tình trạng khan hiếm phải thuê mướn nhân công trong thời gian cao điểm. Anh Bùi Văn Lượng chia sẻ: “Là một thành viên trong tổ đổi công, tôi thấy đây là cách làm hay và thiết thực vì nó không chỉ hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong quá trình sản xuất, chăn nuôi mà còn giúp mọi người đoàn kết, gắn bó với nhau hơn”.

Ngoài việc tập hợp thanh niên bằng mô hình tổ đổi công, chi đoàn thôn 3 cũng chú trọng việc tổ chức và vận động thanh niên tham gia các hoạt động thể dục - thể thao. Đây là hoạt động được tổ chức khá thường xuyên không chỉ vào các dịp lễ, kỷ niệm mà cả những ngày thường. Đồng thời, chi đoàn còn mở rộng việc giao lưu với các chi đoàn khác trong và ngoài xã để tạo sự đoàn kết trong các tầng lớp, đối tượng thanh niên. Anh Trần Quang Thành, Bí thư Chi đoàn thôn 3 phấn khởi nói: “Với đặc thù vùng nông thôn, không có nhiều sân chơi cho các bạn trẻ nên việc tổ chức hoạt động thể dục, thể thao được thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. Bởi sau những giờ lao động mệt nhọc, chiều đến thanh niên trong thôn có thể tập trung để đá bóng giao lưu, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để nâng cao chất lượng cuộc sống và học hỏi nhau trong phát triển kinh tế”.

Bên cạnh đó, những chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, san lấp mặt đường… cũng được đoàn viên, thanh niên xã Dak Liêng và Chi đoàn thôn 3, xã Tân Hòa thường xuyên triển khai thực hiện. Thông qua những mô hình, hoạt động này góp phần thúc đẩy quá trình tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn - Hội ngày càng hiệu quả hơn.

Thúy Hồng   


Ý kiến bạn đọc