Multimedia Đọc Báo in

Khắc ghi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

09:22, 29/08/2014

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua chính quyền và nhân dân TP. Buôn Ma Thuột luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Đến thăm gia đình bệnh binh Y Doan Byă (buôn Cư Ea Bông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), được chứng kiến niềm vui của gia đình lão niên đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa mới thấu hiểu hết ý nghĩa của những ngôi nhà được xây dựng bằng tình người. Bao năm lăn lộn với chiến trường, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, rồi mải mê với cuộc mưu sinh, với biết bao niềm vui, nỗi buồn, song có lẽ đây là một trong những niềm vui lớn nhất trong đời của già Y Doan. Ở trong ngôi nhà 2 tầng khang trang với diện tích sử dụng hơn 120 m2, ông không giấu được niềm vui: “Ngôi nhà cũ của gia đình tôi trước đây dột nát, sinh hoạt rất chật chội và khó khăn. Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ, tôi mạnh dạn vay mượn thêm, cùng tiền tích cóp của gia đình để làm nhà mới. Bây giờ có căn nhà khang trang như thế này, gia đình tôi vui lắm!”.

Ông Y Doan và vợ trước ngôi nhà mới của gia đình.
Ông Y Doan và vợ trước ngôi nhà mới của gia đình.

Bệnh binh Y Doan Byă là một trong 4 đối tượng chính sách được hỗ trợ làm nhà trong năm 2013. Đến nay, trong số 205 gia đình chính sách của xã Ea Kao, chỉ còn 10 hộ có nhu cầu sửa chữa và xây dựng nhà ở. Chính quyền địa phương cũng đã lên phương án hỗ trợ các gia đình có nhu cầu trong thời gian sớm nhất có thể. Được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, trong những năm qua, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã Ea Kao đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động cán bộ, nhân dân trên địa bàn chung tay chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng. Ông Phan Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hằng năm, xã huy động nhân dân đóng góp từ 50 đến 60 triệu đồng cho quỹ Đền ơn đáp nghĩa; các doanh nghiệp, công ty đứng chân trên địa bàn cũng đóng góp, ủng hộ quỹ nhằm giúp xã thực hiện ngày càng nhiều các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, và hằng năm xã đều khảo sát thực tế, nếu thấy gia đình chính sách nào có khó khăn về nhà ở, sức khỏe, kinh tế..., xã sẽ trích Quỹ hỗ trợ khắc phục kịp thời. Nhờ vậy, đến nay hầu hết gia đình chính sách của xã đều có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, đặc biệt toàn xã không còn hộ chính sách nghèo.

Cách làm hiệu quả của Ea Kao cũng là cách làm chung của 21 xã, phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Thông qua khảo sát, tùy theo nhu cầu của từng hộ mà thành phố có cách hỗ trợ thích hợp. Theo ông Chu Văn Việt, Phó trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột: Trung bình mỗi năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của thành phố vận động được hơn 1 tỷ đồng dành hỗ trợ cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ đạt hiệu quả thiết thực, Phòng đã tham mưu cho thành phố thực hiện việc rà soát, đến từng gia đình xem hoàn cảnh cụ thể, thống kê mọi mặt từ kinh tế, đất đai cho đến nhà ở, lao động..., sau đó sẽ đánh giá và đưa ra hướng hỗ trợ; nếu trường hợp nào có khả năng lao động thì vận dụng, hướng dẫn, giới thiệu việc làm và đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể giới thiệu hỗ trợ tạo việc làm cho họ phù hợp. Trường hợp nào chưa có đất làm nhà thì tham mưu để ngành chức năng xem xét cấp đất; thậm chí khi cấp đất rồi mà thấy hoàn cảnh khó khăn thì có thể vận động các nguồn hỗ trợ khác giúp họ xây dựng nhà ở. Ông Việt cũng cho biết thêm, thời gian qua, bằng trách nhiệm và nghĩa cử tri ân người có công, các hoạt động xây dựng nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng thân nhân liệt sĩ già yếu, neo đơn… luôn được duy trì thường xuyên từ thành phố đến các xã, phường, qua đó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần tạo điều kiện để các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định. Điều đáng mừng là đến nay toàn thành phố chỉ còn 3 hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Rõ ràng, sự quan tâm của chính quyền và nhân dân TP. Buôn Ma Thuột thời gian qua đã thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cho thấy thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, biết ơn những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc