Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh với nghề sửa quần áo cũ

20:43, 28/08/2014

Chỉ với chiếc xe đẩy, một cái máy khâu, hộp đựng kim chỉ, cái kéo và tấm biển hiệu nhỏ, thế là một “cửa hàng” chuyên sửa chữa quần áo cũ đã hình thành.

Chị Mai (48 tuổi) từ Thái Nguyên vào Dak Lak lập nghiệp, vốn là thợ may nhưng do xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang may công nghiệp nên những tiệm may nhỏ như của chị không thể trụ được. Chị bèn chuyển sang sửa quần áo cũ, đến nay chị đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc sửa quần áo cũ. Hằng ngày chị chọn cho mình một góc nhỏ ở trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) để đặt bàn may. Một ngày làm việc bắt đầu từ 7giờ sáng tới 7 giờ tối mới về. Ngày nào đông khách thì chị sửa được 15-20 cái áo cái quần các loại, ngày nào vắng khách thì chỉ được vài ba cái. Giá tiền cho mỗi lần lên lai quần jean, thu hẹp hay nới rộng vòng eo, thay khóa, đơm lại cúc… là 10 nghìn đồng/cái. Có những viêc phức tạp và khó thì giá cao hơn 30-50 nghìn đồng/cái. Mỗi ngày bình quân chị kiếm được 100 ngàn đồng, có ngày chỉ có vài ba chục nhưng chị vẫn phải ngồi cả ngày để đợi khách hẹn tới lấy đồ đã sửa. Đã có 10 năm làm nghề này nên chị có nhiều khách quen, khách hàng của chị chủ yếu là người lao động, học sinh và sinh viên nên chị lấy giá bình dân. Tất cả mọi chi phí từ tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền gửi xe đẩy, tiền chi phí học hành của con… đều từ cái máy khâu này mà ra. Cùng hoàn cảnh với chị Mai, chị Sáu (46 tuổi) ở huyện Krông Năng lên TP. Buôn Ma Thuột làm thêm kiếm sống. Được chị Mai giúp đỡ và truyền đạt lại kinh nghiệm sửa quần áo cũ, đến nay chị cũng đã gắn bó với nghề này 5 năm. Khi cũng sửa quần áo cũ ở đường Nguyễn Viết Xuân chị tâm sự: “Ban đầu tôi vụng lắm, chị Mai phải chỉ dẫn tôi từng li từng tí, rồi dần dần tôi cũng quen và yêu nghề “thợ vá” này luôn. Công việc này phù hợp với sức khỏe của tôi và cũng đủ tiền để cho hai mẹ con tôi trang trải cuộc sống”.

Chị Mai và chị Sáu sửa quần áo trên đường Nguyễn Viết Xuân.
Chị Mai và chị Sáu sửa quần áo trên đường Nguyễn Viết Xuân.

Xin nhờ vỉa hè của một người quen trên đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) để kê chiếc máy khâu và dựng cái dù để che mưa nắng, chị Lương (36 tuổi) quê ở Nghệ An dù gần đến ngày sinh con nhưng vẫn miệt mài với việc cắt chỉ, và lên lai quần cho khách hàng. Tay thoăn thoắt tháo chỉ từ cái áo cũ của khách, rồi cẩn thận đạp thẳng đường chỉ cho đẹp mắt cái quần của người khách quen để kịp giao, chị vẫn vui vẻ tiếp chuyện và chia sẻ về nghề mưu sinh của mình: “ Tôi làm nghề này được 7 năm rồi, nói là giàu thì không có nhưng cũng đủ chi phí cho cuộc sống gia đình. Nghề này việc nhẹ nhưng cũng vất vả lắm. Do mượn vỉa hè của nhà người quen để đặt máy khâu, nên những lúc mưa gió thì cực lắm, chưa kể còn bị quản lý trật tự đô thị “hỏi thăm” nữa”.

Ở khu vực xung quanh các chợ, hay trên một vài góc phố nào đó ta cũng có thể bắt gặp được những người thợ sửa quần áo cũ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng tìm tới nghề này để mưu sinh. Nhưng để có thể trụ lại với nghề thì cần phải có sự tâm huyết và kiên nhẫn. Nghề sửa quần áo không đơn giản vì làm vừa lòng khách hàng không dễ. Sửa xấu thì bị chê “thợ vụng mất kim”; có khi gặp khách hàng khó tính không hài lòng với đường kim mũi chỉ dễ sinh cãi cọ là mất khách. Chị Mai chia sẻ: Nghề này ai khéo tay, tỉ mỉ cẩn thận và khéo chiều khách thì mới có đông khách hàng. Thu nhập của nghề không cao nhưng chúng tôi phải chịu khó nhặt nhạnh, có những lúc không có khách vẫn phải ngồi để đợi khách tới, bởi đa số khách của tôi bây giờ là khách quen sợ mình mà nghỉ thì họ sẽ không tới nữa. Làm nghề không tránh khỏi những sai sót, nên những khi chẳng may có bóp eo chật hay chưa vừa ý với khách tôi cũng phải lựa lời xin lỗi khách. Có nhiều khách hàng tới sửa quá cầu kỳ mà tôi không sửa được thì tư vấn cho họ tới các tiệm lớn để sửa chứ nhất định không nhận sửa bừa làm hỏng đồ của họ.

Làm nghề sửa quần áo cũ có khi còn khó hơn cả thợ may. Khách tới sửa đồ ai cũng với tâm lý muốn nhanh, đẹp và rẻ, nên người thợ phải nắm bắt được tâm lý chung đó để làm cho tốt. Có khi gặp những người bán ve chai bị đứt cái cúc áo tới nhờ đính giùm các chị cũng không nỡ lấy tiền, hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những người cùng đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh như mình nên chẳng nề hà khi vá lại chiếc áo, hay đạp lại đường chỉ bị sứt của những cái áo đã sờn vai mà chẳng lấy tiền công. Chú Tuấn (55 tuổi) ở 46 Y Ngông thường hay tới sửa đồ ở tiệm của chị Lương cho biết: “Tôi già rồi mắt mũi kém nên thường hay mang đồ ra nhờ các chị đạp giúp cái lai quần, có khi cái áo mới mua bị sứt đường chỉ và chị ấy cũng chẳng lấy tiền. Tôi thường hay trêu chị Lương như là “bác sĩ” của quần áo vậy, hỏng chỗ nào là sửa được chỗ đó” …

Thúy An


Ý kiến bạn đọc