Nghề "sống chung" với tử thi"
Đã hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Hòa (sinh năm 1968) đã gắn bó với công việc canh giữ nhà Đại thể (nhà xác) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đằng sau vẻ u ám, lạnh lẽo của công việc đặc biệt này là những câu chuyện cảm động về tình người.
Khi thấy tôi tìm gặp, anh Hòa không khỏi ngạc nhiên kèm theo chút thắc mắc “Chú cũng quan tâm đến công việc này à? Không sợ sao?”. Nói rồi anh dẫn tôi đi thăm khu nhà xác, nơi anh là “chủ nhân” của nó mấy chục năm nay. Xuyên qua những dãy nhà cao tầng, nhà Đại thể là một căn nhà cấp bốn nằm ở góc sâu và khuất nhất của bệnh viện. Một cảm giác hoang vắng, trống trải và lạnh lẽo ập vào. Anh mở cửa, mùi ẩm mốc và mùi thuốc sát trùng xộc vào mũi. Trong căn phòng độ hơn 10m2 có hai bệ xi măng đắp cao được lát gạch men, có gắn vòi nước - là nơi đặt tử thi. Phía trên hai bệ xi măng có hai am bàn thờ nhỏ để hương khói cho các tử thi. Kế đến là một gian nhà lớn hơn, nơi dùng để khâm liệm các tử thi sau khi đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Nằm ở phía ngoài là căn phòng nhỏ là nơi anh trực; trong phòng chỉ có một bộ bàn ghế cũ kỹ và một chiếc ghế xếp để anh nằm nghỉ ngơi khi trực tử thi.
Anh Nguyễn Ngọc Hòa vào sổ tử thi chuyển xuống nhà Đại thể. |
Anh Hòa cho biết, năm 1988 anh bắt đầu được bệnh viện nhận vào làm công việc này. Công việc chính của anh là tiếp nhận những bệnh nhân tử vong từ các khoa của bệnh viện chuyển xuống. Tại đây, anh sẽ trực tiếp đưa tử thi lên bệ, tắm rửa rồi dùng lồng sắt đậy lại để tránh bị xâm hại. Đối với những tử thi chết chưa rõ nguyên nhân, không có thân nhân thì anh bảo quản và phụ giúp phía công an mổ tử thi rồi khâm liệm và đưa đi chôn cất theo quy định.
Anh tâm sự: “Những ngày mới vào nghề cũng sợ lắm, nhưng dần dà rồi quen. Hôm nào có tử thi phải bảo quản ở nhà Đại thể thì ở lại trực, nếu tử thi có người thân thì mình ngồi nói chuyện, an ủi họ, còn đối với những tử thi không thân nhân thì mình thắp nhang cho không khí bớt phần đau buồn”. Có những tử thi, khi chuyển xuống nhà xác không còn được lành lặn, cho dù không ai nhờ, cũng không phải là nhiệm vụ của mình, nhưng bằng tình cảm, cái tâm với người đã mất, anh đã tự tay khâu vá lại những vết thương để khi thân nhân đến nhận xác, họ phần nào vơi bớt nỗi đau khi thấy thi thể người thân họ được lành lặn. Rồi có những nạn nhân không có người thân thích, ngoài việc làm những thủ tục cần thiết và lo mai táng đàng hoàng cho họ, anh còn lưu giữ lại những hình ảnh về thi thể, vật dụng của nạn nhân để khi có người thân đến tìm sẽ đưa ra cho họ nhận dạng. Như năm 2013, có một trường hợp nạn nhân nam tử vong được đưa xuống nhà Đại thể. Sau khi chôn cất được 4 tháng thì có người nhà nạn nhân đến gặp anh để tìm mộ của nạn nhân. Bằng những bức ảnh của người đã khuất mà anh đã lưu lại, người thân đã nhận ra đó chính là người cha của mình đã mất tích hơn một năm. Trong suốt thời gian gắn bó với nghề này, ám ảnh lớn nhất với anh đó là vụ tai nạn kinh hoàng ở cầu Sêrêpôk vào tối 17-5-2012. Đêm đó, anh phải tiếp nhận liên tục những nạn nhân từ người lớn đến trẻ em, đàn ông đến phụ nữ, 34 thi thể nằm chật cứng hết nhà xác cùng với đó là máu, nước mắt và những tiếng gào thét xé tâm can. Phải mất hơn một ngày đêm, những nạn nhân trong vụ tai nạn này mới được người thân đưa hết về nhà mai táng. “Biết rằng chuyện sinh tử thì không ai tránh khỏi, nhưng những cái chết oan ức do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông như vụ tai nạn trên thật xót xa và đau lòng”- anh tâm tình.
Trước đây, nhà Đại thể có 2 nhân viên làm việc thay nhau, nhưng từ năm 2010 một người đã xin nghỉ, bây giờ chỉ còn lại mình anh. Khi có người mất trong bệnh viện là anh phải có mặt ngay để làm các thủ tục bảo quản tử thi nên những dịp lễ, tết những người khác được nghỉ còn anh vẫn phải đi làm, hoặc ở loanh quanh đâu đó gần bệnh viện, để khi có ai mất là lập tức chạy đến lo các thủ tục.
Bác sĩ Nguyễn Đình Cư, Trưởng Khoa Giải phẫu Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: công việc của nhân viên Đại thể là tiếp nhận, trông coi và bảo quản tử thi từ các khoa, lấy thông tin về nạn nhân và chờ người nhà đến để bàn giao. Đối với những tử thi không có thân nhân thì lấy thông tin, chụp ảnh lại thi thể và hiện vật để lưu giữ và làm các thủ tục đưa đi chôn cất theo quy định. Công việc vất vả nên đòi hỏi phải là người siêng năng tận tụy với công việc như anh Nguyễn Ngọc Hòa thì mới đảm đương được nhiệm vụ này.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc